Giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(PLO)- Trước việc giá điện tăng cao, nguy cơ thiếu hụt điện, người dân và các tổ chức cần phải có giải pháp tiết kiệm điện trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, trên cả nước, các nguồn điện chạy bằng dầu với chi phí đắt đỏ đã được huy động. Thậm chí, các tổ máy cũ, hiệu suất thấp, chi phí sản xuất cao ở Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, TP.HCM hiếm khi phải dùng tới nay đã phải vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia.

Đây là những diễn biến mới nhất về căng thẳng cung ứng điện mùa hè năm nay, khi nắng nóng, hạn hán xuất hiện.

Do việc thiếu hụt nguồn điện, cộng thêm việc điều chỉnh giá điện thêm 3% từ ngày 4-5 và tình trạng nắng nóng kéo dài mà Tổng công ty Điện lực TP.HCM dự báo hóa đơn tiền điện trong tháng 6 và tháng 7 sẽ tăng cao hơn nhiều so với các tháng vừa qua. Chính vì vậy người dân và các tổ chức cần thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Tiền điện tăng chóng mặt

Chị Nguyễn Bảo Ngọc, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết bình thường gia đình chị đóng tiền điện trung bình 300.000 đồng/tháng. Nhưng vào các tháng 3, 4, 5 vừa qua, tiền điện gia đình chị Ngọc cứ tăng liên tục, chị không biết làm cách nào để tiết kiệm và giảm tiền điện.

“Trong khi tháng 2 chỉ gần 300.000 đồng mà tháng 3 lên gần 700.000 đồng, tháng 4 gần 800.000 đồng, rồi tháng 5 lại tiếp tục lên 1 triệu đồng. Sau đó nghĩ lại thì thấy từ giữa tháng 3 đến nay, thời tiết nắng nóng nên thời gian sử dụng máy lạnh nhiều hơn, chắc đây là nguyên nhân tăng giá điện” - chị Ngọc nói.

Tương tự, chị Châu Thị Thu Ngân, ngụ TP Thủ Đức, cũng cho biết tiền điện từ tháng 3 đến nay cao hơn hẳn những tháng trước.

Anh Trần Trí Thiện, ngụ quận Gò Vấp, cho biết do thời tiết nắng nóng nên anh phải dùng hai cây quạt, tận dụng để thau nước nhằm làm mát phòng. Ảnh: TRẦN MINH
Anh Trần Trí Thiện, ngụ quận Gò Vấp, cho biết do thời tiết nắng nóng nên anh phải dùng hai cây quạt, tận dụng để thau nước nhằm làm mát phòng. Ảnh: TRẦN MINH

“Nhà tôi có một cơ sở kinh doanh, sản xuất giấy nên mỗi tháng tiền điện dao động khoảng 5-6 triệu đồng nhưng những tháng gần đây tiền điện tăng cao, có tháng tôi phải đóng hơn 10 triệu đồng. Việc tiền điện tăng gần gấp đôi khiến tôi áp lực vì nó ảnh hưởng đến kinh tế. Máy móc thì cũng hoạt động bình thường như từ trước tới giờ nhưng không hiểu sao tiền điện cứ tăng chóng mặt” - chị Ngân nói.

Chị Ngọc và chị Ngân cũng cho biết thêm trước đây chỉ sử dụng máy lạnh khoảng 6 tiếng/ngày với nhiệt độ khoảng 26 độ C. Do trời nắng nóng nên thời gian qua dùng máy lạnh tăng lên khoảng 13-14 tiếng có khi cả ngày với nhiệt độ dưới 22 độ C, quạt điện cũng được sử dụng liên tục.

Máy lạnh, bàn ủi tiêu tốn nhiều điện năng

Trao đổi với PV, PGS-TS Trương Đình Nhơn, phụ trách khoa Đào tạo quốc tế Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết việc tăng tiền điện trong những tháng qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao vì thời tiết nóng, cần sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện của EVN thêm 3% từ ngày 4-5 cũng là một trong những nguyên nhân.

Trước nguy cơ thiếu hụt điện và việc giá điện tăng, PGS-TS Trương Đình Nhơn khuyến cáo mọi người nên áp dụng hiệu quả các thiết bị tiết kiệm điện. Nên chọn các thiết bị điện có nhãn năng lượng tiết kiệm để tiết kiệm điện, tắt hoặc ngắt nguồn các thiết bị khi không sử dụng để tránh tình trạng tiêu thụ điện không cần thiết, sử dụng đèn LED thay vì dùng các bóng đèn truyền thống…

Cùng đó là hạn chế việc sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc, đặc biệt là trong giờ cao điểm; sử dụng bộ hẹn giờ hoặc bộ chuyển đổi tự động để tắt thiết bị điện khi không sử dụng; tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách mở rèm cửa; luôn nhắc nhở, khuyến khích mọi người sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình và xã hội

Cũng theo PGS-TS Trương Đình Nhơn, thiết bị điện trong gia đình tiêu tốn nhiều điện năng nhất là máy điều hòa và bàn ủi điện. Vì vậy mọi người nên sử dụng chúng một cách hợp lý.

Đối với máy lạnh phải đặt nhiệt độ hợp lý, ở mức 26 độ C vì mỗi độ C tăng nhiệt độ sẽ giúp tiết kiệm khoảng 10% năng lượng; nên sử dụng máy lạnh ở chế độ tiết kiệm điện; đảm bảo cửa chính và cửa sổ được đóng kín khi máy lạnh hoạt động để tránh thoát khí lạnh và nhập khí nóng từ bên ngoài; vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả, lớp bụi cặn trên máy lạnh có thể làm tăng tiêu thụ điện…

Đối với bàn ủi nên tập trung ủi nhiều đồ cùng một lúc. Nếu bàn ủi có chế độ phun hơi, hãy sử dụng chức năng này để làm ẩm vải trước khi ủi. Điều này giúp hấp thụ nhiệt tốt hơn và tiết kiệm điện. Ngoài ra, cũng cần làm sạch đế ủi để giúp nhiệt lượng truyền từ bàn ủi vào vải tốt hơn…

Giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo ngoài trời vào ban đêm

Ngày 15-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Văn bản 2466/BC-EVN kiến nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn.

Trong đó, đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn, tăng cường thực hành tiết kiệm điện. Tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR).

Các đơn vị hành chính tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 10% so với cùng kỳ. Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng, tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 5% so với cùng kỳ. Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 50% so với cùng kỳ.

Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm…

Tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm