Giải phóng hơn 5.000 tấn cá kẹt ở cảng

Tiêu chuẩn về nước mắm, hơn 5.000 tấn cá mắc kẹt tại cảng, thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất nguy cơ gây ung thư… là những vấn đề nóng tại họp báo thường kỳ quý I-2019 của Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 5-4.

“Lãnh đạo Bộ không biết về tiêu chuẩn nước mắm”

Tại buổi họp báo, vấn đề liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp được báo giới quan tâm và đặt câu hỏi. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Với dự thảo TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, tinh thần là Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Bộ KH&CN dừng lại; đồng thời giao cho đơn vị xây dựng dự thảo là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo cụ thể với lãnh đạo Bộ về phương án xây dựng kỹ lưỡng. Sau đó Bộ sẽ công khai phương án xây dựng dự thảo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm: Riêng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm về mặt quy trình là đúng theo quy định pháp luật. “Theo kiến nghị của Hiệp hội Chế biến nông sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã quyết định thành lập ban vận động cho ra đời hiệp hội nước mắm truyền thống. Quan điểm khi đã xây dựng hội rồi thì quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước mắm sẽ được làm một cách bài bản để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nước mắm phát triển” - ông Tiến nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn hỏi: “Dự thảo này của ai và ai chỉ đạo?”. Thứ trưởng Tiến cho biết dự thảo tiêu chuẩn nước mắm là theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN.

Thứ trưởng Tuấn chất vấn tiếp: “Tôi thấy lãnh đạo Bộ chưa nghe ai trình, chưa nghe về dự thảo tiêu chuẩn nước mắm. Mình chỉ đạo cái gì?”. Thứ trưởng Tiến đáp: “Tiêu chuẩn này đã xây dựng xong sau hai năm”.

Đến đây Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nói : “Tôi đã trả lời công khai là tập thể lãnh đạo Bộ và bộ trưởng sẽ xem xét cụ thể sau khi Cục Chế biến trình báo cáo sẽ trả lời công khai”.

Trước đó, dự thảo TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cơ quan soạn thảo đã gây nhiều tranh cãi. Đa số các ý kiến đều cho rằng dự thảo có nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là không phân định rạch ròi giữa quy trình sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Việc không rạch ròi này sẽ “giết chết” nước mắm truyền thống.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết lãnh đạo Bộ chưa nghe ai trình về  dự thảo  tiêu chuẩn nước mắm.  Ảnh: MH

Giải phóng cho hơn 5.000 tấn cá

Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có đến hơn 5.400 tấn cá của doanh nghiệp tồn đọng tại cảng, không xuất khẩu được do vướng quy định tại Thông tư 21/2018 của Bộ NN&PTNT.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng nguyên nhân là do địa phương. Thông tư 21 ban hành ngày 15-11-2018, chính thức có hiệu lực ngày 1-1-2019, có nội dung quy định công bố danh sách cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3-2019, Bộ NN&PTNT mới công bố 47/83 cảng cá đang hoạt động là đủ điều kiện.

Trả lời câu hỏi vì sao đến nay Bộ mới công bố 47 cảng cá đủ điều kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết quy trình thực hiện là địa phương rà soát, làm thủ tục đề xuất Bộ NN&PTNT ra quyết định công bố, nên nhanh hay chậm là do địa phương. “Bộ đã hai lần có văn bản đôn đốc các địa phương rà soát, đề xuất. Địa phương không đề xuất thì Bộ không có căn cứ để công bố” - ông Tiến cho biết.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết thêm: “Đến nay đã có 5.145 tấn cá được giải quyết dựa trên cơ sở 47/83 cảng đang hoạt động trên cả nước đã được công bố”. Như vậy, vướng mắc về danh sách các cảng đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản theo Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT đã được gỡ vướng bằng cách dựa vào quy hoạch hệ thống cảng cá theo Quyết định 1976 năm 2015 của Thủ tướng.

Về 901 tấn cá còn tồn đọng tại các cảng, ông Luân cho biết các cảng này không nằm trong Quyết định 1976 nên chưa có căn cứ để làm xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

“Đối với hoạt động của các cảng cá này trước khi có Thông tư 21/2018 thì Chi cục Thủy sản địa phương xác nhận theo yêu cầu. Nay theo Luật Thủy sản mới, ban quản lý cảng phải chứng nhận hàng về do đó có sự thay đổi về mặt quản lý. Hiện toàn bộ số thủy sản nói trên đều đã nằm trong kho của doanh nghiệp và đang tìm hướng để tiêu thụ” - ông Luân nói.

Tạm giữ lô hàng điều nhập khẩu vì... mọt

Hiện nay có hàng loạt lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi khi về đến cảng Việt Nam bị ách tắc khiến doanh nghiệp gặp khó. Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nói: “Thời gian gần đây, nhiều lô hàng điều nhập từ châu Phi bị nhiễm mọt cánh cứng. Đây là loại mọt nguy hiểm số một với tất cả nước, được đưa vào danh sách kiểm dịch thực vật cần kiểm soát chặt chẽ. Nếu để loại mọt này xâm nhập vào sâu trong nội địa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu điều của nước ta, chưa kể chi phí để diệt loại mọt này rất cao”.

Ông Trung cho hay dù đã cảnh báo đến doanh nghiệp nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tiếp tục phát hiện mọt cánh cứng trong các lô hàng thì không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho.

Liên quan đến quy trình kiểm soát điều nhập khẩu, ông Trung cho biết: Cục Bảo vệ thực vật hiện đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiểm tra, giám sát các lô hàng từ cảng vào đến kho nhưng chưa cho phép mở hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng thống nhất lựa chọn phương án kiểm tra ngay tại cảng. Trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên 5-7 lô hàng, nếu không phát hiện mọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đưa hàng về kho.

Cấm nhập khẩu thuốc diệt cỏ nguy cơ gây ung thư

Cục Bảo vệ thực vật vừa ra văn bản tạm thời cấm nhập khẩu các lô hàng mới về thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất glyphosate vì có nguy cơ gây ung thư.

Giải thích về lệnh cấm trên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết: Glyphosate là hoạt chất vừa bị tòa án tại Mỹ lần thứ hai đưa ra phán quyết là thủ phạm gây ung thư cho một người làm vườn ở Mỹ sau quá trình dài sử dụng một loại thuốc trừ cỏ do Tập đoàn Monsanto sản xuất có chứa hoạt chất glyphosate.

“Họ có đầy đủ căn cứ phán quyết và trên thực tế thì hiện có hơn 40 nước có động thái từ cấm đến hạn chế loại hoạt chất này. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn tất hồ sơ. Chúng tôi đang tham mưu cấm hoạt chất này trong thời gian sớm nhất” - ông Trung nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới