Giải quyết được vướng mắc pháp lý, giá nhà sẽ giảm

(PLO)- Theo ông Lê Hoàng Châu, các doanh nghiệp BĐS đang thiếu dòng tiền. Vì vậy, doanh nghiệp cần nguồn hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ đầu tiên chính là tín dụng ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp BĐS hiện nay không phải là nới room, hạ lãi suất hay hoãn nợ mà là được tiếp cận vốn tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đang thiếu dòng tiền, mất thanh khoản. Vì vậy, doanh nghiệp cần nguồn hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ đầu tiên chính là tín dụng ngân hàng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA). Ảnh: Minh Trúc.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA). Ảnh: Minh Trúc.

“Thị trường chứng khoán (TTCK) đang gặp khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và việc huy động vốn của khách hàng cũng đang gặp khó khăn. Khách hàng cũng khó tiếp cận với tín dụng. Cho nên, nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp là được tiếp cận với khoản vay tín dụng mới”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, theo ông Châu, điều kiện cho doanh nghiệp BĐS được tiếp cận với khoản vay tín dụng mới là doanh nghiệp không có khoản nợ xấu. Muốn không có khoản nợ xấu, HoREA đã kiến nghị giải pháp về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét có văn bản tương tự như Thông tư 14/2021/TT-NHNN (hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) để áp dụng cho các doanh nghiệp bất động sản năm 2023.

Thông tư 14/2021/TT-NHNN đã đưa ra các chính sách cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, đồng thời, xem xét giảm lãi suất, giảm chi phí nhưng lại không áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp BĐS.

Năm 2022, Chính phủ, Quốc hội, NHNN đã có chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhưng các cơ chế chính sách này không áp dụng cho doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp BĐS rơi vào tình thế khó khăn từ cuối quý 2/2022 đến nay, khi xung đột Nga - Ukraina dẫn đến nguy cơ lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, suy thoái kinh tế, tác động tới kinh tế Việt Nam vốn có độ mở rất lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS còn bị vướng những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, cho nên, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS năm 2022 bị ngưng trệ. Đây là lý do doanh nghiệp BĐS ngày càng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Thị trường BĐS không được hấp thụ thêm nguồn cung tín dụng BĐS hợp lý để doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn.

Theo ông Châu, nguồn vốn tín dụng là "bà đỡ" cho thị trường BĐS những năm qua bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ phát triển từ năm 2018 đến nay, trước đó vẫn phải dựa vào vốn tín dụng, huy động vốn của khách hàng.

Ở Việt Nam có nghịch lý là cần vốn trung hạn nhưng thị trường vốn lại phát triển không tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là thị trường BĐS.

Chính vì vậy, theo ông Châu, giải pháp hiện nay là phải cơ cấu lại thị trường vốn để có nguồn vốn huy động trung, dài hạn cung cấp cho thị trường BĐS.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, ở các nước, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là nguồn vốn lấy từ nhàn rỗi, có thể sử dụng nguồn vốn này tái đầu tư vào nền kinh tế. Năm 2022, Việt Nam đã cho phép công ty bảo hiểm sử dụng số tiền nhàn rỗi để tái đầu tư vào BĐS, nhưng chỉ trong 2 trường hợp là mua cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán và mua chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Như vậy, các doanh nghiệp chưa niêm yết, các doanh nghiệp cần nguồn vốn hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm không thể đầu tư vào lĩnh vực BĐS.

“Cũng tại các nước, quỹ hưu trí và các quỹ nhàn rỗi khác có thể tái đầu tư vào nền kinh tế, nhưng Việt Nam không có. Chúng tôi kỳ vọng vào việc xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán để phát triển thị trường vốn thời gian tới. Đồng thời, mong muốn Nhà nước, Chính phủ tạo cơ chế giải quyết những vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp BĐS”, ông Châu bày tỏ.

Theo ông Châu, nếu giải quyết được vướng mắc pháp lý, nguồn cung BĐS ra thị trường sẽ tăng lên, giá cả sẽ giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận được nhà ở. Giải quyết được vấn đề pháp lý, chính là giải quyết được cả vấn đề về tín dụng.

Chính phủ cần xem xét lại để có cơ chế, chẳng hạn như có một gói tín dụng tương tự như gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ trước đó để hỗ trợ sản phẩm của doanh nghiệp BĐS, cụ thể là các loại nhà có giá khoảng 2 tỷ đồng trở xuống/căn.

Sự hỗ trợ này sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp BĐS phải cơ cấu lại sản phẩm, các chủ đầu tư phải làm sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, thị trường BĐS sẽ phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm