Giải Sách Hay thu gọn tổ chức 2 năm/lần

Sáng 27-9, lễ trao giải Giải Sách Hay lần thứ 10 đã diễn tại TP.HCM. Đánh dấu 10 năm của giải thưởng thường niên này là công bố từ nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung rằng, từ mùa giải thứ 11, Sách Hay sẽ không còn thường niên nữa mà sẽ tổ chức trao giải 2 năm/lần.

Mùa giải tới sẽ diễn ra vào năm 2022. Ban tổ chức giải thống nhất đi đến quyết định này với lý do để có thời gian tuyển chọn nhiều hơn.

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung công bố Giải Sách Hay không còn tổ chức thường niên. Ảnh: BTC cung cấp

Thực tế, Sách Hay thu hẹp giải thưởng là một điều không vui cho những ai theo dõi giải thưởng suốt 10 năm qua. Bởi như chia sẻ của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, thành viên Hội đồng Trao giải thì: “Biển sách mênh mông, Giải Sách hay là hoạt động nhỏ bé để đưa tình yêu đọc sách vào lòng biển đó. Cái gì cũng có thể mua được thì Giải Sách Hay là không thể mua được…”.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn khẳng định Sách Hay là giải thưởng không thể mua được bằng tiền hay bị tác động bởi bất cứ điều gì khác. Ảnh: BTC cung cấp

Mười năm, hành trình của một giải thưởng độc lập, không bị tác động bởi quyền lợi vật chất hay bất cứ cá nhân nào, đó cũng là điều làm công chúng tin tưởng và chờ đợi ở những sách được Giải Sách Hay vinh danh.

10 năm qua, Sách Hay đã trao giải cho 62 tác phẩm viết của tác giả trong nước và 70 công trình dịch thuật của các tác giả nước ngoài và dịch giả Việt Nam.

15 đầu sách được vinh danh tại Giải Sách Hay mùa thứ 10. Ảnh: BTC cung cấp

15 đầu sách được Sách Hay trao giải năm nay ở bảy hạng mục giải thưởng có thể xem là một bức tranh căn bản về tình hình học thuật, tri thức của Việt Nam năm qua. Ở đó có những sáng tạo mới mẻ lẫn những giá trị kinh điển của thế giới đã bị lãng quên nay được đem đến cho người đọc.

Dịch giả Châu Văn Thuận, người dịch cuốn Biện Hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng tại lễ trao giải Giải Sách Hay. Ảnh: BTC cung cấp

Trên tinh thần chung của giải thưởng là độc lập và khai phóng, hạng mục sách Giáo dục năm nay đã vinh danh tác phẩm Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (tác giả Nguyễn Quốc Vương) và dịch phẩm Biện hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng (tác giả Fareed Zakaria, dịch giả Châu Văn Thuận). Tại lễ trao giải, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã chia sẻ: “Tôi chỉ nêu vấn đề, thực tiễn giáo dục của Nhật Bản rất quan trọng, mà Việt Nam có thể tìm thấy ở đó cách đi cho chính mình. Và hiện nay chúng ta có nhìn ra thế giới cũng là để soi lại chính chúng ta”.

Giáo sư Chu Hảo giới thiệu đề cử và công bố sách đạt giải ở hạng mục Sách Nghiên cứu. Ảnh: BTC cung cấp

Hay những nghiên cứu độc lập như: Bộ sách hai quyển Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn của tác giả Nguyễn Quốc Trị, cháu đời thứ ba của đại thần Nguyễn Văn Tường được trao giải ở hạng mục Sách Phát hiện mới; tác phẩm Làng mạc ở châu thổ sông Hồng của tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski ở hạng mục Sách Nghiên cứu… được vinh danh đều rất hữu ích cho độc giả. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện con đường nghiên cứu độc lập mà còn là hành trình giải mã trước tiên cho cá nhân tác giả.

Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên công bố hạng mục Sách Quản trị. Ảnh: BTC cung cấp

Ví dụ như bộ Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn là sự tìm tòi về nguồn cội gia tộc họ Nguyễn từ những kho lưu trữ trong và ngoài nước suốt 12 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Trị. Để từ đó, công trình góp phần viết lại một giai đoạn lịch sử phức tạp và có nhiều nhìn nhận chưa thấu đáo của Việt Nam – thời nhà Nguyễn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan công bố hạng mục Sách Kinh tế. Ảnh: BTC cung cấp

Hay quyển sách Làng mạc ở châu thổ sông Hồng là sự góp phần trả lời băn khoăn của chính hai tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski về câu hỏi: Tại sao người Việt dù quá ít so với dân số Trung Quốc, sống trên một lãnh thỏ chỉ khoảng 20.000km2, không những không bị Trung Quốc đồng hoá trong 1.000 năm Bắc thuộc mà còn giành lai được độc lập dân tộc? Phải chăng một phần không nhỏ là tổ chức làng Việt từ xa xưa đã rất vững chắc?

TS Quách Thu Nguyệt rất tâm đắc với Nhật ký của nhóc Alvin siêu quây, một tác phẩm của tác giả sinh năm 2007. Ảnh: BTC cung cấp

Giải Sách Hay năm nay còn vinh danh nhiều tác phẩm dịch phẩm mà tác giả, dịch giả có tuổi đời rất trẻ, như tác giả Nguyễn Khang Thịnh (sinh năm 2007) của tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy được trao giải ở hạng mục Sách Thiếu nhi.

Nhà văn Nhật Chiêu công bố hai tập tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu của nhà văn Trần Thuỳ Mai được trao giải tác phẩm ở hạng mục Sách Văn học. Ảnh: BTC cung cấp

Nghiên cứu độc lập, cởi mở và trẻ hoá tác giả là điều mà không chỉ Giải Sách Hay mà rộng ra là một xã hội đang mong muốn hướng đến. Nó như câu của nhà sinh học E.O.Wilson được in trong trang đầu quyển sách Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng, rằng: “Chúng ta đang chết chìm trong thông tin trong lúc đang đói khát hiểu biết. Kể từ nay, thế giới sẽ được điều khiển bởi những con người tổng hợp, những người có khả năng đúc kết thông tin cần thiết đúng lúc cần thiết, biết tư duy phản biện và biết khôn ngoan chọn lọc những gì quan trọng…”.

15 đầu sách được vinh danh ở Giải Sách Hay 2020

1. Hạng mục Sách Nghiên cứu (2 tựa sách): Tác phẩm: Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (Tác giả: Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski); Dịch phẩm: Sự kiến tạo xã hội về thực tại (Tác giả: Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Dịch giả: Trần Hữu Quang và Nhóm dịch giả).

2. Hạng mục Sách Giáo dục (2 tựa sách): Tác phẩm: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (Tác giả: Nguyễn Quốc Vương); Dịch phẩm: Biện hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng (Tác giả: Fareed Zakaria, Dịch giả: Châu Văn Thuận).

3. Hạng mục Sách Kinh tế (2 tựa sách): Tác phẩm: Thần kỳ Kinh tế Tây Đức (Tác giả: Tôn Thất Thông); Dịch phẩm: Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc (Tác giả: Davis S. Landes, Dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh).

4. Hạng mục Sách Quản trị (2 tựa sách): Tác phẩm: Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh (Tác giả: Lê Hồng Nhật); Dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Tác giả: Klaus Schwab, Dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép).

5. Hạng mục Sách Thiếu nhi (2 tựa sách): Tác phẩm: Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy (Tác giả: Nguyễn Khang Thịnh); Dịch phẩm: Hành trình của cá Voi (Tác giả: Michael Morpurgo, Dịch giả: Trần Thị Minh Hiếu).

6. Hạng mục Sách Văn học (2 tựa sách): Tác phẩm: Bộ sách Từ Dụ Thái Hậu (gồm Quyển thượngQuyển hạ) (Tác giả: Trần Thùy Mai); Dịch phẩm: Chết chịu (Tác giả: Céline, Dịch giả: Dương Tường).

7. Hạng mục Sách Phát hiện mới (3 tựa sách): Tác phẩm: Bộ sách 2 quyển: Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Quốc Trị); Dịch phẩm: Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi (Tác giả: Shibusawa Eiichi, Dịch giả: Nguyễn Lương Hải Khôi); Dịch phẩm: Những tìm sâu Triết học (Tác giả: Ludwig Wittgenstein, Dịch giả: Trần Đình Thắng (Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm