Giảm cước vận tải, chưa tăng giá điện

Chiều tối 22-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có hai vấn đề quan trọng là giá điện và ứng phó với giá dầu thế giới giảm mạnh. Cuộc họp có sự tham dự của bộ trưởng Công Thương, Tài chính, KH&ĐT, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các tập đoàn Dầu khí VN, Điện lực VN (EVN), Xăng dầu VN.

Ba kịch bản ứng phó

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết các bộ đã thảo luận rất nhiều về tình hình giá dầu thế giới và tác động đến kinh tế VN. Trước đây, Bộ Tài chính trình kịch bản thu ngân sách với dự báo giá xuất khẩu dầu thô 100 USD/thùng nhưng hiện giá dầu đã giảm dưới 60 USD, có lúc xuống dưới 50 USD/thùng.

Do vậy, liên bộ đã đưa ra ba kịch bản dựa trên các tính toán của các tổ chức kinh tế thế giới. Theo đó, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ giảm không đáng kể; với những lô có giá thành sản xuất cao hơn giá bán thì có thể dừng hoặc tiết giảm sản lượng. Ở phương án 50 USD/thùng cần phải tiết giảm nhiều hơn. Còn tới mức 40 USD/thùng, chúng ta có thể phải giảm sản lượng 1,8-2 triệu tấn so với kế hoạch Bộ Công Thương đề ra là 14,74 triệu tấn. Nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, tăng trưởng GDP giảm so với dự kiến 0,21%; giá dầu 50 USD/thùng, tăng trưởng giảm 0,56 % và khi giá dầu ở 40 USD/thùng, tăng trưởng có thể giảm đến 1 %.

Giá điện sẽ không tăng trước tết. Ảnh: TL

Theo ông Vinh, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, VN mất gần 1.000 tỉ đồng ngân sách. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, giá dầu về mức 60 USD/thùng chỉ hụt thu ngân sách 7.500 tỉ đồng; 50 USD/thùng hụt 9.500 tỉ đồng và nếu 40 USD/thùng, hụt thu 11.500 tỉ đồng. “Bộ Tài chính tính toán nếu ở mức 50 USD/thùng sẽ không hụt thu vì sẽ được bù lại từ thu nội địa nên ảnh hưởng ngân sách không lớn” - ông Vinh phân tích.

Rà soát giá cước vận tải

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng giá dầu thế giới giảm không chỉ tác động đến vấn đề xuất khẩu dầu thô mà còn tác động đến tình hình nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp bởi sản lượng nhập khẩu xăng dầu còn lớn hơn xuất khẩu dầu thô. “Giá nhập khẩu giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước sẽ giảm liên tục. Hiện giá xăng dầu bán lẻ của VN đã thấp hơn Thái Lan, Lào, Campuchia, cao hơn Singapore và Malaysia. Trước tình hình đó, liên bộ đang xem xét nếu giá thế giới tiếp tục giảm thì giá trong nước có nên giảm theo hay không để không xảy ra tình trạng xuất lậu xăng dầu ra nước ngoài” - ông Vinh chia sẻ.

Theo ông Vinh, giá xăng dầu giảm liên tục đã tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất cũng như giá cước vận tải. Vì vậy, tại cuộc họp Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành quản lý giá xem cơ cấu giá thành vận tải so với giá xăng dầu giảm để giảm giá cước vận tải. Giá cước vận tải nếu giảm sẽ tác động rất tốt đến nền kinh tế. “Thủ tướng có chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT rà soát lại giá thành các loại hình vận tải để giảm giá cước, cố gắng càng sớm càng tốt, tốt nhất là giảm trước tết” - Bộ trưởng Vinh cho hay.

Chưa tăng giá điện trước tết

Về giá điện, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, giá điện được các bộ bàn rất kỹ. Giá điện VN đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên phải tính toán để đảm bảo giá điện tiếp cận giá thị trường, đảm bảo đủ chi phí và có lãi. Điều quan trọng giá thành phải mang tính chính xác, công khai, minh bạch. Thủ tướng đã yêu cầu ngành điện quan tâm đến hai yếu tố để giảm giá thành là giảm tiêu hao năng lượng và tăng năng suất lao động. “Dù EVN đưa ra ba kịch bản tăng giá điện ở các mức độ cao thấp khác nhau nhưng Chính phủ chỉ đạo từ nay đến tết Nguyên đán chưa bàn đến tăng giá điện. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án và bao giờ tăng sẽ phải cân nhắc đến tình hình kinh tế chung, tác động của xăng dầu đến các yếu tố cấu thành giá thành sản xuất điện để có quyết định đúng đắn, phù hợp” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm