Ở TP.HCM, bạn dễ dàng tìm thấy những con phố với các cửa hàng bán quần áo thời trang, điện tử, điện máy, quán ăn… mọc san sát nhau dọc hai bên đường. Để thu hút khách, một số cửa hàng thản nhiên vác dàn loa lớn để ngay trước cửa với những bản nhạc “hay miễn chê”. Trời mưa hay nắng, sáng hay chiều, ngày thường hay cuối tuần, những chiếc loa ấy vẫn hoạt động hết công suất. Không những thế, mỗi cửa hàng lại có chính sách mở nhạc khác nhau nên tạo ra một mớ âm thanh chát chúa, hỗn độn. Tiếng nhạc từ anh bán băng đĩa dạo, chị cân đo sức khỏe, bác bán bánh giò, bài ca từ những anh chàng bán kẹo kéo, thông tin rao quảng cáo từ siêu thị điện máy... cứ ra rả. Quả thật đó là sự tra tấn đối với người nghe.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Đến TP.HCM lần đầu tiên, anh Bill William, khách du lịch đến từ bang Maryland, Mỹ, chia sẻ: “Tôi thấy người dân TP.HCM rất năng động, tôi thật thán phục họ. Lúc mới đến khách sạn tôi thuê phòng ở tầng dưới cùng cho dễ đi lại nhưng buổi tối rất ồn và tôi không thể ngủ được. Vì vậy sáng hôm sau tôi phải đề nghị lễ tân giúp tôi dọn lên tầng cao hơn, để mong có giấc ngủ ngon sau cả ngày khám phá thành phố xinh đẹp này”.
Hình ảnh trong chiến dịch hưởng ứng Ngày không còi, giảm bớt tiếng ồn.
Anh Nguyễn Văn Hải (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Cũng phải chấp nhận sự ồn ào này chứ biết làm sao bây giờ, riết rồi thành quen, cũng phải chịu trận thôi chứ tụi tui đâu dám nói năng gì. Công chuyện làm ăn của người ta mà”. Còn chị Tuyết (quận 5) lắc đầu ngao ngán: “Ôi thôi thì đủ thứ âm thanh hỗn tạp, còn nữa, chiều tan tầm là tiếng máy xe, tiếng còi inh ỏi. Ồn ào vậy chưa đủ, có nhà còn thỉnh thoảng lại mở nhạc hoặc karaoke “bắt” cả xóm nghe nữa chứ, góp ý thì ngại mích lòng, mà để vậy thì thật chịu không nổi”.
Lâu nay báo chí đề cập nhiều đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người vẫn chưa nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, ô nhiễm tiếng ồn càng trở nên nan giải, nhất là các đô thị lớn. Tiếng ồn đã vượt mức cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của con người. Theo các chuyên gia, tiếng ồn ở ngưỡng 50 dB (đơn vị đo âm thanh) làm suy giảm hiệu suất làm việc, nhất là đối với lao động trí óc. Tiếng ồn 70 dB làm tăng nhịp thở, nhịp đập của tim, tăng nhiệt độ cơ thể, huyết áp, ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và giảm hứng thú lao động. Tiếng ồn 90 dB gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Phấn đấu giảm ô nhiễm tiếng ồn
Giấc ngủ thường bị đánh thức khi có tiếng ồn bất ngờ gây nên và bạn sẽ không có giấc ngủ ngon khi nguồn ồn thường xuyên quấy nhiễu bên cạnh. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và năng suất công việc của ngày hôm sau. Việc tiếp xúc nhiều với tiếng ồn sẽ tạo ra tâm lý nặng nề, tác động trực tiếp đến thính giác, gây ra bệnh lãng tai, điếc nghề nghiệp; gây chứng nhức đầu dai dẳng, rối loạn sinh lý, bệnh lý, suy nhược thần kinh, tim mạch, nội tiết… Lúc này con người thường mệt mỏi, sinh cáu kỉnh, giảm trí nhớ, run mi mắt và phản xạ xương khớp giảm.
Tiếng ồn càng mạnh (từ 120 dB trở lên) có thể gây chói tai, đau tai, thậm chí thủng màng nhĩ. Biết rằng tiếng ồn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng dường như chúng ta vẫn đang thờ ơ với nó. Do vậy, một trong những nội dung của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015 là tập trung kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2015, TP.HCM tiến tới giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất; 50% ô nhiễm không khí, tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải. Giai đoạn 2016-2020, thành phố phấn đấu kiềm chế tiếng ồn trên địa bàn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường. Thế nhưng để đạt những mục tiêu trên, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng mà đó còn là sự góp sức của người dân. Chính vì thế chúng tôi hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ càng ý thức hơn để hạn chế tiếng ồn, đảm bảo cuộc sống an toàn, khỏe mạnh.
NGỌC CHÂU (Tổng hợp)