Gián điệp Nga làm gì ở Mỹ?

Trong nhóm gián điệp Nga, báo chí Mỹ đặc biệt chú ý đến cô gái xinh đẹp, quyến rũ Anna Chapman. Khác với những người còn lại trong nhóm, cô rất quan tâm quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội.

Theo trang web Lifenews.ru (Nga), Anna Chapman là con gái một viên chức ngoại giao Nga từng làm việc ở Kenya. Cô đã có chồng người Anh, từng sống ở London (Anh) và làm nhiều nghề. Từ năm 2005, cô đến Mỹ nhiều lần và đầu năm 2010 dọn đến Manhattan (Mỹ) kinh doanh bất động sản xuyên quốc gia qua mạng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Michael Farbiarz, dù chỉ mới 28 tuổi nhưng Anna Chapman là một điệp viên dày dạn kinh nghiệm, đã được Nga đào tạo nghiệp vụ rất kỹ lưỡng.

Ngày 26-6, khi nhân viên FBI giả danh điệp viên Nga nhờ cô chuyển hộ chiếu giả cho một điệp viên Nga mới cài cắm tại Mỹ, cô nghi ngờ nên gọi về Nga xin ý kiến. Phía Nga đã yêu cầu cô nhanh chóng rời Mỹ. Do lo ngại nếu cô rời Mỹ sẽ đánh động cả nhóm gián điệp nên FBI quyết định cất vó.

Gián điệp Nga làm gì ở Mỹ? ảnh 1

Anna Chapman trên mạng xã hội Odnoklassniki (Bạn học) của Nga. Ảnh: DAILY MAIL

Mikhail Semenko là điệp viên Nga thứ hai được nhân viên FBI giả danh liên lạc trong ngày 26-6 và đã làm theo yêu cầu. Semenko còn độc thân, làm việc cho một công ty du lịch ở bang Virginia, biết nói năm ngoại ngữ.

Tám người còn lại trong nhóm gián điệp Nga đã kết hợp thành bốn cặp vợ chồng gián điệp, thậm chí họ đã có con với nhau.

Đôi vợ chồng Juan Lazáro (gốc Uruguay)-Vicky Peláez (gốc Peru) sống ở Yonkers (bang New York). Chồng là nhà khoa học chính trị, thuở nhỏ từng sống ở Nga. Vợ làm việc 20 năm nay cho báo El Diario (báo bằng tiếng Tây Ban Nha lớn nhất bang New York), ủng hộ Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Khi còn ở Peru trong những năm 1980, cô Vicky Peláez làm việc cho Đài Truyền hình Channel 2, là một trong số ít nhà báo nữ có tên tuổi và năm 1984 từng bị một nhóm phiến loạn bắt cóc.

Đôi vợ chồng Richard-Cynthia Murphy sống trong một ngôi nhà xinh xắn ở Montclair (bang New Jersey). Chồng thường xuyên ở nhà chăm sóc hai con, vợ là phó chủ tịch một công ty kế toán ở Manhattan từ năm 1997.

Người vợ khá thân với chuyên gia tài chính Alan Patricof và cũng kết bạn với một quan chức trong chính phủ Mỹ. Alan Patricof chuyên gây quỹ cho đảng Dân chủ, là bạn của Ngoại trưởng Hillary Clinton và người phụ trách thu chi trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2008 của bà.

Hai đôi vợ chồng trên mang quốc tịch Mỹ. Trong khi đó, đôi Donald Heathfield-Tracey Foley cùng mang quốc tịch Canada, sống tại Cambridge (bang Massachussetts) với hai con trai. Chồng từng là bạn học với Tổng thống Mexico Felipe Calderon, là chủ một công ty tư vấn chiến lược quản trị có văn phòng ở Pháp, Indonesia và Singapore. Vợ làm đại lý du lịch.

Một công dân Canada tên David Heathfield đã tố cáo người chồng Donald Heathfield lấy họ tên và ngày sinh của em trai ông đã qua đời năm 1963 lúc mới hơn một tháng tuổi.

Đôi cuối cùng là Michael Zottoli mang quốc tịch Mỹ và Patricia Mills mang quốc tịch Canada sống tại Arlington (bang Vigirnia). Họ đã có cháu. Ông chồng kinh doanh thiết bị viễn thông.

- Sáng 1-7 theo giờ địa phương, 10 nghi can trong nhóm gián điệp Nga sẽ ra hầu tòa tại Manhattan (bang New York) để tòa xem xét yêu cầu nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. Hôm trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố lần nữa rằng chính phủ Mỹ không có ý định trục xuất nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ.

- Ngày 30-6, nghi can thứ 11 Christopher Robert Metsos (quốc tịch Canada) đã biến mất. Metsos bị bắt tại Cyprus ngày 29-6, được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh 35.000 USD và chờ dẫn độ về Mỹ vào ngày 29-7. Tối 30-6, cảnh sát không thấy Metsos đến trình diện nên đến khách sạn tìm thì không thấy tung tích.

THIÊN ÂN (Theo CNN, Telegraph, New York Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm