BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội, được Nhà nước tổ chức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân. BHYT hỗ trợ khám và điều trị bệnh thông qua khoản tiền hỗ trợ chi trả. Chế độ này được thực hiện dựa trên các nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Hiện nay, số người tham gia BHYT ngày càng cao. Cụ thể, tại TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, số người tham gia BHYT là 7.981.911 người, đạt 91,34% kế hoạch giao. Theo đó, số người tham gia tăng 1,02% so với tháng trước, tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,53% so với ngày 31-12-2022.
Qua công tác truyền thông, đến nay nhận thức của người dân về chính sách BHYT đã được nâng cao. Hầu hết người dân đều mong muốn được tham gia BHYT để đảm bảo an sinh cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh đã có một số thắc mắc liên quan đến những thủ tục, chế độ, chính sách của người tham gia sẽ được hưởng.
Để giải đáp một số vướng mắc liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với cơ quan BHXH TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tham gia BHYT, người dân cần làm gì để hưởng quyền lợi cao nhất”.
Chương trình sẽ bắt đầu từ 8 giờ 30 sáng nay (15-11). Chương trình sẽ được tường thuật đầy đủ trên www.plo.vn.
Tham dự buổi giao lưu trực tuyến có bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM; ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM.
Chương trình có sự tham gia tư vấn của các khách mời như bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ BHXH TP.HCM; ông Trần Thế Trọng, Trưởng phòng Giám định BHYT 2; ông Lương Đình Thới, Phó Trưởng phòng Giám định BHYT 1 BHXH TP.HCM.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi tại ô giao lưu với độc giả dưới đây:
Danh sách khách mời
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng
Phó Giám đốc BHXH TP.HCM
Ông Trần Thế Trọng
Trưởng phòng Giám Định BHYT 2, BHXH TP.HCM
Ông Lương Đình Thới
Phó Trưởng phòng Giám định BHYT 1, BHXH TP.HCM
Bà Phan Thị Mai
Trưởng phòng Quản lý Thu - Sổ, thẻ, BHXH TP.HCM
Tôi đăng ký nơi KCB ban đầu là Bệnh Viện ĐK Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức ( bệnh viện tư ) , vậy khi tôi nhập viện mổ tay, thì được BH chi trả bao nhiêu %?
Bạn không nói rõ bạn nhập viện ở BV nào, nếu bạn nhập viện ở BV Quốc tế Hoàn Mỹ hoặc BV tuyến quận, huyện hoặc BV tuyến tỉnh bạn sẽ được hưởng 100% phạm vi mức hưởng khi trình thẻ BHYT lúc nhập viện.
Bà tôi hiện đang sống tại quận Tân Bình, TPHCM. Bà tôi hiện đang dùng thẻ BHYT cũ và đã hết hạn thẻ. Vậy có cách nào để bà tôi có thể đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh mà vẫn dùng được thẻ BHYT cũ của bà tôi không?
Do bạn không cung cấp mã thẻ cũ thẻ nơi đang đăng ký KCB nên chưa thể trả lời cho bạn được.
Vợ chồng tôi mới sinh con. Làm cách nào để làm thẻ BHYT cho con tôi vừa chào đời?
Hiện nay việc cấp thẻ BHYT được thực hiện liên thông khi bạn đăng ký khai sinh... do đó để được cấp thẻ BHYT kịp thời bạn liên hệ với UBND phường xã thị trấn để được hướng dẫn thủ tục.
Em trai tôi đóng tiền mua BHYT nhưng phải 30 ngày sau mới có hiệu lực, trong khi đang bị tai nạn, nhập viện cấp cứu thì các Y-BS ở đây nói phải sau 30 ngày BHYT mới có hiệu lực, tôi phải ra ngoài mua đơn thuốc hết 200 ngàn cho tôi hỏi vậy thời đại 4.0 mà phải chờ 30 ngày??
Căn cứ Điểm c Khoản 3, Điều 16 Luật BHYT quy định đối với người tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, nếu tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.
Vợ tôi đang đi làm công ty mang thai tháng thứ 6, bác sĩ kiểm tra sức khoẻ yếu không đi làm được và chỉ định nghỉ ở nhà. Vậy trường hợp này có được hưởng BHXH không?
Trường hợp người lao động tham gia BHXH đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, nếu nộp đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, BHYT.
Đề nghị BHXH nói rõ hơn về các trường hợp KCB BHYT được hưởng tỷ lệ như đi khám đúng tuyến? Ví dụ: Nếu NLĐ đăng ký KCB tại Bệnh viên Thống nhất thì khi đi KCB tại các Bệnh viên tuyến quận, huyện có được coi là đúng tuyến không?
Căn cứ Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện Thống Nhất đi khám bệnh ở các cơ sở y tế sau đây để được hưởng quyền lợi BHYT như đi đúng tuyến:
- Cơ sở y tế nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (bệnh viện Thống Nhất);
- Tất cả bệnh viện tuyến quận (huyện) trên cả nước;
- Từ ngày 01/01/2021 bạn có thể đi khám chữa bệnh nội trú ở tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh trên cả nước.
Xin các chuyên gia cho tôi hỏi: Trẻ em mới sinh, đã làm giấy khai sinh nhưng chưa được cấp thẻ BHYT, cho tôi hỏi theo quy định thì bao nhiêu lâu có thẻ BHYT cho em bé mới sinh. Hiện nay em bé đang đi viện cấp cứu thì có được cấp thẻ BHYT ngay không ạ.
Trẻ em mới sinh, đã làm giấy khai sinh nhưng chưa được cấp thẻ BHYT, để được cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trường hợp cấp cứu thì bạn liên hệ với UBND phường xã để được lập hồ sơ và cấp thẻ BHYT ngay trong ngày.
Tôi tên Phan Văn Thành, số thẻ BHYT : GD4797935517113. Tôi đã mua BHYT đã 5 năm. Trên thẻ BHYT của tôi ghi thời hạn 5 năm liên tục là ngày 1/7/2023. Nhưng khi mua gia hạn BHYT vào ngày 19/5/2023 cho năm sau từ 1/7/2023 đến 30/6/2024 thì trang web của BHYT ghi cho tôi thời hạn 5 năm là 1/7/2028. Xem như vừa rồi tôi chưa hề mua bảo hiểm. Thật vô lý!
Trường hợp bị sai thời hạn 5 năm liên tục ghi trên thẻ, bạn liên hệ cơ quan BHXH gần nới cư trú để được cập nhật lại quá trình 5 năm liên tục.
Mã số BHYT của tôi là 7909023178. Tôi tham gia bảo hiểm tại cơ quan từ tháng 07-2008 đến tháng 02-2021, sau đó tôi nghỉ việc 1 tháng (03-2021) và đến tháng 04-2021 tôi đi làm và tham gia bảo hiểm tại nơi làm việc ở Gò Vấp nhưng thẻ BHYT của tôi lại ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục là 01-04-2026. Vậy cho tôi hỏi, tại sao thời điểm 05 năm liên tục của tôi bị thay đổi, trong khi tôi tham gia BHYT gián đoạn không quá 3 tháng? Tôi phải làm sao để có thể duy trì thời điểm 05 năm liên tục như là hiện tại. Tôi xin cảm ơn.
Trường hợp bạn bị sai thời điểm 05 năm liên tục ghi trên thẻ BHYT, bạn liên hệ với cơ quan BHXH gần nơi cư trú để được cập nhật lại cho bạn.
1. Ba tôi bị thận, nhưng BHYT không chi trả các thuốc liên quan về thận cũng như điều trị, cho tôi hỏi vậy tác dụng của BHYT trong trường hợp này là để làm gì? 2. Ba tôi trước đây có bứu cổ và được chuyển viện từ quê lên BV Ung Bứu TP HCM để khám và điều trị, được BS chỉ định mổ và tôi nghe ba tôi nói phải đóng 3 triệu để mua con dao mổ vì con dao mổ này bén hơn con dao sử dụng BHYT? và đóng tạm ứng gần 20 triệu, cho tôi hỏi nếu trong trường hợp không đóng tạm ứng thì có được mổ hay không? và vì sao có BHYT mà phải đóng tạm ứng? Ba tôi hiện đang được BHYT 95%
Không chỉ riêng về bệnh thận, tất cả các bệnh khác khi người bệnh đi khám, chữa bệnh đều được quỹ BHYT thanh toán theo phạm vi mức hưởng.
Về câu hỏi của bạn, các thuốc điều trị về "bệnh thận" như bạn nói, danh mục thuốc tại Thông tư 20/2022/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã đầy đủ.
Về chi phí cho dịch vụ kỹ thuật lọc thận nhân tạo trung bình mỗi năm quỹ BHYT thanh toán cho người lọc thận nhân tạo từ 140 - 170 triệu đồng. Chi phí này chưa bao gồm thuốc và các chi phí điều trị các bệnh đi kèm.
Việc đóng 3 triệu để mua dao mổ là không có ở các cơ sở khám, chữa bệnh ở TP.HCM. Đóng tạm ứng ở BV là việc BV giữ chi phí đồng chi trả và một số khoản phụ thu. BV sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về khoản phụ thu này. Đóng 20 triệu có thể là chi phí thực hiện dịch vụ theo yêu cầu.
Cho em hỏi về trường hợp em được cấp 1 thẻ BHYT theo hộ nghèo và đang tham gia bảo hiểm bắt buộc tại công ty và được công ty cấp thẻ BHYT doanh nghiệp (thẻ BHYT bắt buộc). Trường hợp này em được dùng thẻ BHYT loại nào?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 17 văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH quy định, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các nhóm đối tượng.
Như vậy trường hợp bạn đi làm thì sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT đối tượng do người lao động và đơn vị đóng.
Cho em hỏi lúc trước tham gia BHYT hộ gia đình, sau này tham gia BHXH bắt buộc thì số sổ BHXH có giống với số thẻ BHYT hộ gia đình không (10 số đuôi trên thẻ BHYT hộ gia đình). Em cảm ơn.
Hiện nay, mỗi người được cấp một mã số BHXH duy nhất. Tuy nhiên, trước đây một người có thể được cấp nhiều mã số BHXH, do đó trường hợp bạn đã được cấp nhiều mã số BHXH thì phải nộp hồ sơ theo phiếu giao nhận 600a hoặc 605b để được gộp sổ theo quy định (kể cả mã số thẻ BHYT).
Tôi năm nay 55 tuổi, làm việc 30 năm ở công ty chuyển phát nhanh, với chức danh nhân viên giao nhận sản phẩm, công việc làm là chạy xe máy để nhận, phát thư và bưu phẩm. Tôi thấy công việc này y như chức danh bưu tá, trong luật BHXH thì được về hưu lúc 55,6 tuổi. Vậy xin cho hỏi, tôi có được về hưu giống như chức danh bưu tá không? Cám ơn Ban tư vấn.
Để xác định ông có làm công việc nặng nhọc độc hại hay không thì đơn vị hoặc người lao động phải tập hợp toàn bộ hồ sơ gốc gửi cho cơ quan BHXH để được xem xét và giải quyết theo đúng quy định.
Ông tôi tuổi già nên mắc nhiều chứng bệnh phải điều trị liên tục với mức chi phí rất cao. Cụ thể, năm vừa rồi, chi phí mà quỹ bhyt chi trả lên đến hàng trăm triệu đồng. Cho tôi hỏi quỹ bhyt có giới hạn mức hưởng bhyt không? Quỹ bhyt chi trả cho 1 người tham gia BHYT cao nhất là bao nhiêu?
Quỹ BHYT không giới hạn mức hưởng. Mức chi trả cao nhất cho một người bệnh vào năm 2023 (cho đến thời điểm hiện tại) là 36 tỉ đồng. Tuy vậy, một số thuốc, vật tư y tế thì có điều kiện, tỉ lệ thanh toán cho từng nhóm đối tượng.
Gia đình mình có 2 người đang tham gia BHYT hộ gia đình, bây giờ mình muốn tham gia thì có được hưởng theo chính sách người thứ 3 (60% mức đóng của người thứ nhất) này không? hay là phải 3 người đóng 1 lần?
Theo quy định, việc giảm trừ mức đóng cho người tham gia BHYT hộ gia đình được thực hiện ngay từ người thứ 2 trở đi, có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại TP.HCM theo Luật cư trú và tham gia BHYT hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Xin hỏi BHYT có được chi trả ở bệnh viện tư nhân không hay chỉ được chi trả đối với bệnh viện công?
BHYT được chi trả tại các bệnh viện có ký hợp đồng KCB BHYT và bệnh viện không ký hợp đồng KCB BHYT, không phân loại bệnh viện tư nhân hay công lập. Tuy nhiên, để được hưởng quyền lợi BHYT cao nhất bạn nên đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và trình đủ thủ tục KCB BHYT theo quy định.
Nộp BHXH tự nguyện thì bao lâu cập nhật vào sổ BHXH ?
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thì cơ quan BHXH sẽ cập nhật quá trình tham gia BHXH tự nguyện cho người tham gia.
Cho tôi hỏi, người lao động bị tai nạn lao động, có giấy nghỉ hưởng BHXH là 7 ngày, vậy 7 ngày này do công ty chi trả hay là BHXH chi trả. Xin cảm ơn anh chị.
Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, có giấy nghỉ hưởng BHXH là 7 ngày, thì 7 ngày này do cơ quan BHXH chi trả.
Không xuất trình thẻ lúc nằm viện thì có được hưởng BHYT không? hồ sơ gửi cơ quan BHYT như thế nào và được hưởng mức như nào?
Trường hợp người khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không ký hợp đồng (nội, ngoại trú tuyến huyện; nội, trú tuyến tỉnh; nội trú tuyến trung ương thì được quỹ BHYT thanh toán theo quy định như sau:
Trường hợp người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán như sau: khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh nội trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định nhưng tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
Trường hợp người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định nhưng tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
Trường hợp người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định nhưng tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
- Người khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh thì sẽ được thanh toán như sau:
Trường hợp người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu không đúng quy định thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh nội trú.
Tôi tham gia BHYT 5 năm liên tục, đăng ký khám chữa bệnh ở TT y tế huyện, vậy nếu tôi đi khám chữa bệnh ở các TT y tế Quận ở thành phố Hồ Chí Minh thì có được hưởng 80% như ở nơi đk khám chữa bệnh ban đầu là ở huyện nơi tôi sinh sống không ( tôi không ở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh)
Theo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 010/1/2015, từ ngày 010/1/2016, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại Bệnh viện tuyến huyện được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo mức hưởng (Điểm c, Khoản 3, Điều 22).
Theo quy định trên, trường hợp của bạn, sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí theo mức hưởng như đúng tuyến tại TP.HCM khi bạn đến khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế được xác định là bệnh viện tuyến huyện theo Điều 4 Thông tư số 40/2015/TT-BYT gồm:
1. Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (bao gồm Trung tâm Y tế 2 chức năng là bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế).
2. Bệnh viện đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các Bộ, Ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các Bộ, Ngành.
3. Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương.
4. Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương.
5. Bệnh viện quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng.
Tôi muốn hỏi về thủ tục của việc nhận lại tiền BHYT chưa sử dụng. Tôi đang dùng BHYT hình thức tự nguyện hộ gia đình hết hạn vào tháng 2-2023 nên trong tháng 2 tôi đã đóng tiền gia hạn tại bưu điện xã sau đó tôi đi làm và được công ty đóng BHYT doanh nghiệp từ tháng 4-2023, tôi được biết là sẽ được nhận lại phần tiền BHYT chưa sử dụng đó. Nhưng tôi gặp một vấn đề đó là BHYT tự nguyện trước đó tôi đã bị thất lạc và chỉ sử dụng hình ảnh trong app VssID khi đi thăm khám tại bệnh viện, sau đó hệ thống tự động cập nhật hình ảnh của BHYT của doanh nghiệp nên hiện tại tôi không có bản chính/photo/hình ảnh nào của BHYT tự nguyện trước đây thì không biết khi làm hồ sơ xin hoàn lại tiền BHYT chưa sử dụng có yêu cầu về việc này không, tôi có thể được nhận lại tiền hoàn không? và nếu có vấn đề thì tôi nên làm gì để có thể được hoàn tiền? Xin chân thành cảm ơn!
- Để nhận lại tiền BHYT đóng thừa, bạn có thể liên hệ tổ chức dịch vụ thu hoặc cơ quan BHXH để nộp hồ sơ hoàn trả lại tiền BHYT đóng thừa theo quy định.
Hồ sơ thủ tục bạn có thể vào đường link http://vanban.bhxhtphcm.gov.vn/handle/BHXHTPHCM_123456789/1980 để tải phiếu giao nhận hồ sơ 606 và làm theo quy định.
Cho tôi hỏi người có thẻ BHYT muốn thay đổi khám chữa bệnh ban đầu ở đâu, thủ tục ra sao. Xin hướng dẫn cho tôi cả hai trường hợp tham gia BHYT hộ gia đình và tham gia BHYT theo doanh nghiệp.
Để thay đối nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, bạn có thể liên hệ doanh nghiệp (nếu tham gia BHYT theo doanh nghiệp) hoặc liên hệ tổ chức dịch thu (nếu tham gia BHYT hộ gia đình) hoặc bạn có thể tự liên hệ cơ quan BHXH để nộp hồ sơ thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Thời gian thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu là vào tháng đầu quý.
Ngày 23/09/2023, tôi thực hiện gia hạn thẻ BHYT cho mã thẻ GD4494920253548 - Hà Thị Trâm, sinh ngày 29/05/1997 trên website dichvucong.gov.vn và đã thanh toán thành công số tiền 972.000vnđ theo biên lai đính kèm. Tuy nhiên sau khi kiểm tra lại thì thấy thẻ vẫn chưa được gia hạn sử dụng mới. Mong BHXH kiểm tra và phản hồi sớm giúp tôi. Xin cám ơn.
Trường hợp của bạn chúng tôi sẽ ghi nhận và kiểm tra lại cụ thể để phản hồi cho bạn cho sau.
Cháu tôi có chuyện buồn gia đình nên vừa rồi cháu nghĩ dại đã tự tự may mắn người ngày đưa đi cấp cứu kịp. Cho tôi hỏi những trường hợp tự tử có được hưởng bhyt không?
Căn cứ Khoản 16 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi... số 46/2014/QH12 (bãi bỏ Khoản 10 Điều 23 Luật BHYT số 25), thì bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán chi phí cấp cứu điều trị trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích.
Ba mẹ tôi hộ khẩu sống ở Đồng Tháp, nay tôi đón ba mẹ lên Tân Bình ở với tôi vài tháng, mà đến nay tôi muốn mua thẻ BHYT cho ba mẹ tôi để tiện chữa bệnh trên thành phố. Vậy tôi mua BHYT hộ gia đình cho ba mẹ tôi trên TP.HCM được không?
Theo quy định, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại TP.HCM theo Luật cư trú, ngoại trừ những người thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo quy định của Luật BHYT.
Như vậy theo quy định trên, để mua thẻ BHYT hộ gia đình cho ba mẹ bạn trên thành phố bạn phải đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại TP.HCM cho ba mẹ . Trong khi chờ đợi đăng ký thường trú, tạm trú ba mẹ bạn có thể KCB nội trú, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện hoặc khám nội trú tại BV tuyến tỉnh.
Trường hợp thẻ BHYT HSSV con tôi đăng ký KCB tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP. HCM, điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và có xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT, được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trường hợp này như thế nào ạ?
Trong trường hợp này, con bạn được hưởng 100% phạm vi mức hưởng theo chính sách (Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT... số 46/2014/QH13).
Nếu công ty tôi bị nợ BHXH, BHYT thì tôi có thể tham gia BHYT hộ gia đình được không? Thủ tục như thế nào?
Hiện nay mỗi người chi được cấp một mã số BHXH, trường hợp bạn đang tham gia BHXH, BHYT tại công ty thì không thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình theo đúng quy định về thứ tự ưu tiên khi tham gia BHYT.
Anh tôi trước đây có tham gia BHYT doanh nghiệp. Tuy nhiên, những tháng gần đây doanh nghiệp gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, vậy anh tôi có được gia hạn thẻ BHYT không. Nếu không được thì chi phí khám chữa bệnh trong khoảng thời gian doanh nghiệp nợ BHXH sẽ được thanh toán như thế nào?
Hiện nay, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cơ quan BHXH vẫn giải quyết cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh có thể đóng tiền BHYT cho cơ quan BHXH để được gia hạn thẻ BHYT.
Trường hợp doanh nghiệp nợ tiền không đóng BHYT cho người lao động khi người lao động bị ốm đau có phát sinh chi phí kcb thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán cho người lao động theo đúng quy định tại Điều 49 Luật BHYT.
Tôi có thai được 4 tháng nhưng bác sĩ phát hiện thai bị dị tật và phải phá thai. Cho tôi hỏi trường hợp của tôi có được hưởng bhyt không?
Trường hợp nội soi không được hưởng BHYT thì cần xem xét cụ thể là dịch vụ kỹ thuật đó chưa thuộc danh mục được phê duyệt thực hiện tại bệnh viện hoặc do bạn yêu cầu dịch vụ …, để xác định cụ thể, đề nghị bạn gửi hồ sơ để cơ quan BHXH thực hiện giám định theo quy định.
Về phạm vi hưởng BHYT được quy định tại Điều 21 Luật BHYT như sau:
a) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
b) Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Các trường hợp không được hưởng BHYT có 12 trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật BHYT.
Cho tôi hỏi hiện tại tôi không có thẻ BHYT nhưng bị mắc Covid-19 và đi điều trị bệnh thì có được nhà nước chi trả chi phí điều trị như lúc giai đoạn dịch không?
Theo Điểm 1, Khoản a Công văn 6922/BYT-KHTC ngày 29 tháng 10 2023, người không có thẻ BHYT thì phải tự chi trả chi phí điều trị COVID-19.
Tôi là người tham gia kháng chiến trước đây tôi phải đóng đồng chi trả. Mới đây, tôi đi nhập viện và phải điều trị với mức chi phí điều trị hơn 50 triệu đồng. Vậy trường hợp của tôi có được miễn đồng chi trả không?
Bạn tham gia kháng chiến, trước đây bạn được cấp mã thẻ BHYT mang mã KC quyền lợi số 4( phải đóng đồng chi trả 20%), theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ, thì bạn sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng quy định từ ngày 19/10/2023. Nếu trường hợp bạn đi KCB theo đúng quy định từ ngày 19/10/2023 và đã đóng đồng chi trả 20% thì bạn đem các hóa đơn, giấy tờ tùy thân có ảnh, thẻ BHYT đến BHXH gần nơi cư trú để làm thủ tục thanh toán lại phần đồng chi trả này.
Ba tôi 80 tuổi có thẻ BHYT bệnh viện Gò Vấp hưởng 100% , nhưng nay chân bị tê không cảm giác, bác sĩ khám chẩn đoán tai biên tái phát ( đã 2 lần bị tai biến ). Nay vào bv 175 xin cấp cứu . Nhưng bệnh viện báo là chỉ được hưởng 40%, nếu muốn 100% phải có giấy chuyển tuyến . Như vậy có đúng không ạ ?
Việc đánh giá người bệnh vào viện có trong tình trạng cấp cứu hay không thuộc quyền hạn của bác sĩ nhận bệnh và điều trị khi bệnh nhân nhập viện. Trường hợp của bạn, nếu ba bạn vào viện trong tình trạng cấp cứu sẽ được hưởng 100% phạm vi mức hưởng. Bạn nên đến tổ BHYT (BS Bảo - 0982.881.001) của BV để trình bày cụ thể vấn đề.
Tôi có thẻ bhyt ở quận 12, TP.HCM nhưng vừa trong trong quá trình đi công tác ở Hà Nội tôi bị bệnh và đang điều trị bệnh ở bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội. Vậy tôi có được hưởng bhyt ko?
Trong trường hợp này, bạn sẽ được hưởng quyền lợi 100% phạm vi mức hưởng vì chính sách thông tuyến quận, huyện.
NLĐ đóng BHXH ở ngoài Hà Nội, nhưng đang làm việc tại TP.HCM thì được đăng ký khám chữa bệnh ở Bệnh viện 175 không? Khi người lao động đăng ký BV 175 thì BHXH không cho, tự đăng ký BV Hoàn Mỹ. Người lao động có thể thay đổi tới bệnh viện khác không? Đi khám tại BV nào tại TP.HCM thì là đúng tuyến?
Theo quy định hiện hành, bạn chỉ được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào những bệnh viện nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ngoại tỉnh. Danh mục bệnh viện nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ngoại tỉnh bạn có thể truy cập vào cổng thông tin điện tử của BHXH TP.HCM..
Hiện nay, Bệnh viện 175 không nhận đăng ký khám chữa bệnh đối tượng ngoại tỉnh. Trường hợp đăng ký sai mã BV, cơ quan BHXH đăng ký vào BV Hoàn Mỹ thì đơn vị hoặc cá nhân bạn có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH vào tháng đầu quý để được đổi về nơi ban đầu.
Đi khám chữa bệnh đúng tuyến khi:
- Đi đúng nơi khám chữa bệnh ban đầu.
- Hoặc cấp cứu.
- Hoặc khám bệnh nội trú, ngoại trú bệnh viện tuyến huyện.
- Hoặc khám bệnh nội trú bệnh viện tuyến tỉnh.
- Hoặc có giấy chuyển viện.
- Hoặc tái khám của các lần chuyển tuyến.
Tôi đăng ký KCB ban đầu tại BV Thống Nhất nhưng điều trị tại Bệnh viện 175 thì có được BHYT chi trả bằng tỷ lệ hưởng tại BV Thống Nhất không?
Trong trường hợp này, bạn sẽ được hưởng 100% phạm vi mức hưởng nếu vào BV 175 trong tình trạng cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến từ BV Thống Nhất.
Nếu không thuộc hai điều trên, bạn sẽ được hưởng 40% phạm vi mức hưởng khi điều trị nội trú tại BV 175.
Để tra cứu nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, bạn có thể xem thông tin chi tiết tại Cổng thông tin điện tử của BHXH TP.HCM.
Trước đây tôi được cấp thẻ BHYT hộ nghèo nhưng vừa rồi gia đình tôi đã thoát nghèo. Cho tôi hỏi tôi muốn tham gia BHYT hộ gia đình thì đăng ký ở đâu?
Để được tham gia BHYT hộ gia đình, bạn có thể liên hệ với các Tổ chức dịch vụ thu có ký hợp đồng với cơ quan BHXH như Bưu điện, PVI, Viettel... để nộp hồ sơ tham gia BHYT hộ gia đình. Danh sách các tổ chức dịch thu bạn có thể truy cập website cửa cơ quan BHXH để biết thông tin.
Cho tôi hỏi trường hợp nhậu say tự té xe đi cấp cứu có được sử dụng thẻ bhyt không?
Hiện tại, chi phí cấp cứu điều trị tai nạn giao thông chưa có điều khoản không chi trả do các nguyên nhân. Vì vậy, trường hợp này bạn được hưởng đúng phạm vi mức hưởng BHYT.
Tôi đang có thẻ BHYT ở bệnh viện Quận Phú Nhuận nhưng nhà ở gần bệnh viện Thống Nhất thì có đổi về BV Thống Nhất được không?
Căn cứ quy định của BHXH Thành phố hiện nay, BV Thống Nhất không nhận đăng ký khám chữa bệnh cho đối tượng tăng mới, chỉ tiếp nhận gia hạn thẻ BHYT cho những đối tượng đã đăng ký vào BV Thống Nhất trước đó.
Nếu đầu tháng 11 đơn vị có làm hồ sơ giảm ốm cho người lao động bị ốm trong tháng 10, sẽ phát sinh truy thu phần BHYT do hồ sơ phát sinh hồ sơ trễ trong tháng 11. Vậy khi làm hồ sơ báo tăng người lao động đi làm lại từ tháng 11 thì đơn vị có bị tính phần truy thu BHYT trước đó không?
Trong trường hợp này, đơn vị đã được truy thu BHYT khi làm hồ sơ báo giảm tháng 11 chậm thì khi tăng lại tại tháng 11, đơn vị không bị tính phần truy thu BHYT của tháng 10 nữa.
Con tôi có thẻ BHYT học sinh. Mới đây, con tôi bị bệnh phải đi khám và điều trị tại BV đúng tuyến. Tuy nhiên, thẻ BHYT của cháu đã bị thất lạc và tôi phải tự thanh toán chi phí điều trị. Cho tôi hỏi, trường hợp này tôi có được cơ quan BHXH chi trả lại viện phí không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, người có thẻ BHYT đi KCB tại nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT thì được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT như sau: thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm KCB đối với trường hợp KCB ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với trường hợp KCB nội trú. Đề nghị Bạn mang hồ sơ đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết, hồ sơ gồm có:
+ Bản chụp các loại giấy tờ sau (mang theo bản gốc để đối chiếu): Thẻ BHYT, Giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh; phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán.
+ Bản chính Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Xin lưu ý:
+ Bạn cần liên hệ với cơ quan BHXH để cấp lại thẻ BHYT sử dụng cho những lần khám bệnh sau,
+ Ngoài ra con bạn có thể trình hình ảnh thẻ BHYT bằng VssID hoặc Căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh để được hưởng quyền lợi cao nhất.
Cho em hỏi người lao động đang tham gia thẻ BHYT tại đơn vị có địa chỉ TP.HCM, nhưng sắp sinh muốn về quê để tiện cho việc sinh con, em có thể làm thay đổi nơi khám chữa bệnh trên thẻ BHYT về địa phương (tỉnh khác) được không? Và làm hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh vào tháng đầu quý, em cảm ơn ban lãnh đạo BHXH TP.HCM.
Người lao động đang tham gia thẻ BHYT tại đơn vị có địa chỉ tại TP.HCM, nhưng sắp sinh và muốn về quê để tiện cho việc sinh con, bạn có thể nộp hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh trên thẻ BHYT về địa phương vào tháng đầu quý.
Hoặc bạn không cần đổi thẻ BHYT nhưng vẫn được hưởng đẩy đủ quyền lợi BHYT khi:
- Khám bệnh ngoại trú, nhập viện nội trú ở tất cả các bệnh viện tuyến huyện nhưng phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.
- Nhập viện nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh khi xuất trình đầy thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.
Tôi có thẻ BHYT ở BV Tân Bình. Cho tôi hỏi nếu tôi đi sinh con ở BV Từ Dũ mà không có giấy chuyển tuyến thì có được 100% mức hưởng BHYT không?
Trường hợp của bạn sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% mức hưởng theo quy định.
Tôi vừa mới sinh con tại BV Hùng Vương và được hưởng BHYT. Con tôi lúc mới sinh đã bị bệnh hô hấp phải nhập việc điều trị. Cho tôi hỏi, trẻ sơ sinh nhập viện điều trị có được hưởng BHYT không?
Trong trường hợp này, bạn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.
Tôi bị cận nặng bác sỹ chỉ định tôi phải mổ mắt. Trường hợp của tôi đi mổ mắt thì có được hưởng BHYT không?
Theo Khoản 7 Điều 23 Luật BHYT 2008 quy định: "Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi" thuộc 1 trong 12 trường hợp không được hưởng BHYT.
- Đối chiếu quy định trên, nếu bạn từ 6 tuổi trở lên và mổ mắt để điều trị cận thị và tật khúc xạ của mắt thì không được hưởng BHYT.
Xin chào cơ quan BHXH TP.HCM. Em là đơn vị kê khai hồ sơ cho nhân viên, trường hợp người lao động thuộc đối tượng ốm đau dài ngày thì hàng tháng đơn vị có kê khai hồ sơ giảm ốm, như vậy người lao động có thể sử dụng thẻ BHYT khi đi khám bệnh được không? Em cám ơn!
- Đối tượng ốm dài ngày được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí. Do đó, khi người lao động bị ốm đau dài ngày, đơn vị có trách nhiệm kê khai hồ sơ báo giàm ốm tại đơn vị và báo tăng tại mã đơn vị ốm đau dài ngày theo quy định để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho người lao động và người sử dụng lao động sử dụng thẻ BHYT đối tượng ốm dài ngày để đi khám chữa bệnh.
Khi người lao động khỏi bệnh, doanh nghiệp phải báo tăng lại tại đơn vị, thẻ BHYT đối tượng ốm đau dài ngày sẽ bị giảm hết giá trị sử dụng.
Tôi có BHYT hộ gia đình mua tại Vĩnh Long và hiện nay đang lên TP.HCM ở cùng con gái. Cho tôi hỏi, nếu tôi bị bệnh điều trị BV tại TP.HCM thì có được hưởng BHYT không?
Trong trường hợp này, bạn sẽ được hưởng BHYT khi đi KCB tại các cơ sở KCB tại TP.HCM và thực hiện đủ thủ tục KCB BHYT theo một trong các tình huống KCB (Theo Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và NĐ 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 Nghị định 146) dưới đây:
1. Phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc CCCD; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại NĐ59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử.
- Trường hợp cấp cứu, được đến KCB tại bất kỳ CSKCB nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.
- Trường hợp đang trong thời gian tạm trú: được KCB tại CSKCB cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình thêm giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.
Tôi là cán bộ hưu trí ở Thái Nguyên, nơi khám chữa bệnh ban đầu của tôi của tôi ở bệnh viện Gang Thép tỉnh Thái Nguyên. Hiện tại, tôi đang tạm trú ở cùng con tại quận Bình Thạnh, tôi đang bị tiểu đường nên hay đi khám bệnh ở bệnh viện quận Bình Thạnh, TP.HCM. Vừa rồi, thận của tôi có sỏi to cần phẫu thuật, tôi muốn xin chuyển lên tuyến trên điều trị nhưng được BS cho biết phải về nơi khám chữa bệnh ban đầu mới được chuyển tuyến chứ bệnh viện không giải quyết được. Tôi thấy như vậy thật bất tiện, tôi xin hỏi tôi muốn chuyển nơi khám chữa bệnh của tôi về nơi tạm trú ở Quận Bình Thạnh thì có được không, thủ tục ra sao?
Nếu bạn tạm trú tại quận Bình Thạnh thì áp dụng điều, khoản người có thẻ BHYT tỉnh khác khi đăng ký tạm trú tại nơi đang khám, chữa bệnh thì sẽ được hưởng quyền lợi BHYT như nơi đăng ký ban đầu và được chuyển đúng đến tuyến trên cần điều trị.
Trường hợp hai, bạn có thể đến điều trị nội trú tuyến tỉnh (nghĩa là nằm viện điều trị tại các BV tuyến tỉnh như: BV Bình Dân, BV Gia Định...) và thực hiện đúng thủ tục hành chính khi đi khám chữa bệnh.
Vừa rồi, tôi bị tai nạn giao thông được đưa đến một bệnh viên cứu cấp. Tuy nhiên, bệnh viện không có ký hợp đồng cơ quan BHXH nên tôi phải tự chi trả chi phí sơ cấp cứu. Cho tôi hỏi, số tiền trên tôi có được cơ quan BHXH trả lại không?
Theo quy định tại Điều 30 NĐ 146/2018/NĐ-CP: Trường hợp người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu), mức thanh toán như sau:
- KCB tại tuyến huyện và tương đương: ngoại trú tối đa bằng 0,15 lần, nội trú tối đa bằng 0,5 lần lương cơ sở;
- KCB tại tuyến tỉnh và tương đương: nội trú tối đa bằng 1,0 lần lương cơ sở - KCB tại tuyến Trung ương và tương đương: nội trú tối đa bằng 2,5 lần lương cơ sở
Đề nghị ông nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH, hồ sơ gồm: 1. Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: a) Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 NĐ này.
b) Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán.
2. Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Mức lương tôi thấp nên hàng tháng tôi đóng BHYT ở mức thấp. Cho tôi hỏi, những người lương cao đóng mức BHYT thì có được thêm quyền lợi không? Quỹ BHYT có giới hạn chi phí điều trị của người tham gia không?
- Số tiền đóng BHYT của đối tượng là người lao động đang đi làm tại các doanh nghiệp được quy định bằng 4,5% nhân với mức lương tháng đóng BHXH, BHYT; đóng mức lương cao hay thấp không ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia.
- Quỹ BHYT chi theo bệnh lý không giới hạn chi phí, tuy nhiên có một số dịch vụ kỹ thuật và thuốc có tỉ lệ thanh toán.
Chồng tôi đã tham gia BHYT 5 năm liên tục. Đầu năm 2023, chồng tôi phát hiện bị ung thư và phải điều trị BHYT với số tiền hơn 200 triệu đồng. Dù đã cố gắng hết sức nhưng chồng tôi không qua khỏi. Cho tôi hỏi, số tiền mà gia đình trả viện phí 20% chi phí điều trị khi người bệnh mất có được cơ quan BHXH chi trả lại không và thủ tục để nhận lại như thế nào?
Người bệnh tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, chi phí 20% phí đồng chi trả vượt qua 6 tháng lương tối thiểu (mức lương tối thiểu là 1.490.000 đồng hoặc 1.800.000 đồng tùy vào từng thời điểm), thì sẽ cơ quan BHXH cấp giấy miễn đồng chi trả. Trường hợp của chồng bà đã mất thì bà mang hồ sơ chứng từ, toa thuốc, giấy ra viện, biên lai tính tiền viện phí đến BHXH quận, huyện nơi bà cư trú hoặc BHXH TP.HCM, địa chỉ 117C Nguyễn Đình Chính, phường 15, quận Phú Nhuận để nộp hồ sơ.
Con tôi 5 tuổi bị bệnh về mắt phải phẫu thuật mới. Vậy chi phí mổ mắt có được BHYT thanh toán không?
Trong trường hợp này, Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí (bao gồm cả chi phí phẫu thuật) theo phạm vi mức hưởng. Người bệnh khi đi khám chữa bệnh phải thực hiện đủ và đúng quy định, thủ tục khám chữa bệnh (bao gồm xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Các trường hợp vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật thì phải chuyển tuyến từ nơi đăng ký ban đầu.
Thủ tục được miễn đồng chi trả khi tham gia BHYT 5 năm liên tục như thế nào?
Cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, thuộc loại hồ sơ thanh toán trực tiếp bạn nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH để xem xét. Nếu đủ điều kiện theo quy định, cơ quan BHXH sẽ cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Hồ sơ nộp cơ quan BHXH theo quy định gồm:
1. Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm:
a) Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 NĐ này.
b) Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán.
2. Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.