Trên thực tế, trà sữa là loại đồ uống được pha chế theo công thức riêng, do đó không có một định lượng chuẩn nào cho độ ngọt hay hàm lượng đường trong một ly trà sữa.
Đường trong trà sữa ra sao?
Để tìm hiểu lượng đường thực sự có trong một ly trà sữa, chúng tôi đã tìm mua ngẫu nhiên năm ly trà sữa ở năm cửa hàng khác nhau. Trong đó có hai ly của hai thương hiệu nổi tiếng và ba ly mua tại các điểm bán lề đường hoặc quán bất kỳ (gọi tắt là trà sữa bình dân-PV).
Cụ thể ba ly có thể tích 250ml và hai ly có thể tích 500ml, các ly không đá, mua cùng một thời điểm để mang thử nghiệm cùng một lúc, tại Trung tâm công nghệ Việt- Đức (trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM).
Sau khi thử nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng đường tổng (là hàm lượng đường đơn có mặt trong thực phẩm) như sau:
Ly 1: trà sữa bình dân có thể tích 250ml chứa hàm lượng đường tổng là 39,3g
Ly 2: trà sữa bình dân có thể tích 250ml chứa hàm lượng đường tổng là 65,6 g
Ly 3: trà sữa thương hiệu nổi tiếng 500ml chứa hàm lượng đường tổng là 58.1g (tức khoảng 29,05g/250ml)
Ly 4: trà sữa thương hiệu nổi tiếng 500ml chứa hàm lượng đường tổng là 72,9g (tức khoảng 36,45g/250ml)
Ly 5: trà sữa bình dân 250ml chứa hàm lượng đường tổng là 50,9g
Kết quả phân tích hàm lượng đường tổng trong một ly trà sữa.
Thạc sĩ Trần Thị Thu Hương, trưởng bộ môn khoa Ẩm thực, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, từ kết quả thử nghiệm trên, cho thấy hàm lượng đường trong năm loại trà giao động từ 11,62-26,24%, hàm lượng đường này tương đương với hàm lượng đường trong các loại nước ngọt có gas. Tra cứu bảng chỉ số đường huyết (GI) và tải trọng đường (GL) của thực phẩm cho thấy, nước ngọt có gas có chỉ số GI 63, chỉ số GL 25,2, đây là nhóm thực phẩm cần hạn chế trong khẩu phần ăn của người tiểu đường.
Các kết quả trên cho thấy, nếu chúng ta uống quá thường xuyên những loại trà sữa này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Cũng theo thạc sĩ Trần Thị Thu Hương, những người tiểu đường nên hạn chế sử dụng các loại trà sữa. Với những người không mắc bệnh lý tiểu đường, nhưng có thói quen sử dụng sản phẩm trà sữa thường xuyên hoặc các sản phẩm nhiều đường khác, cũng có nguy cơ mắc bệnh lý tiểu đường. Bên cạnh đó, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ không phải chỉ đến từ hàm lượng đường có trong trà sữa mà còn đến từ các thành phần phối chế khác trong trà sữa như: Phẩm màu, hương liệu tổng hợp, chất béo ở dạng trans... có khả năng gây tổn hại đến gan, thận, tim, gây nguy cơ bệnh lý béo phì...
Đường trong trà sữa và các mối liên quan đến sức khỏe
Theo bác sĩ CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam việc đưa một hàm lượng đường cao vào cơ thể có liên quan đến rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.
“Tác hại đầu tiên của việc ăn quá nhiều đường là nguy cơ cao của thừa cân béo phì, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thứ hai là thay đổi môi trường vi khuẩn bình thường trong đường ruột. Thứ ba tăng nguy cơ loãng xương do lượng đường cạnh tranh đẩy canxi ra khỏi xương. Thứ tư là liên quan đến rối loạn mỡ máu. Ngoài ra còn các vấn đề về răng miệng mà điển hình là sâu răng”, bác sĩ Diệp liệt kê.
Cũng theo BS Diệp việc tiêu thụ quá nhiều đường còn liên quan gián tiếp tới bệnh đái tháo đường và bệnh này cũng được các chuyên gia nhận thấy mối liên quan tới việc tiêu thụ thực phẩm chứa đường chuyển hóa nhanh và các loại nước có chứa nhiều đường.
Bà chỉ ra thực trạng trẻ em tại TP.HCM bị thừa cân béo phì lên đến 49,4%, tỷ lệ cao nhất cả nước. Phần đa các trẻ đều thích sử dụng đồ uống có đường và thức ăn nhanh, ít vận động… Bên cạnh đó trẻ tăng huyết áp ở lứa tuổi học sinh cũng nằm ở tỉ lệ 15,1%, chưa kể tình trạng trẻ hóa đái tháo đường ở TP.HCM cũng cao hơn các tỉnh thành khác.
Nếu nói đến lượng đường trong trà sữa và chỉ ra các mối liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì trên, bác sĩ Diệp cho hay cần có các nghiên cứu chuyên sâu khác.
“Để nói rằng trà sữa có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh này không, thì chưa có một nghiên cứu cụ thể nào kết luận điều này cả. Nó chỉ góp phần vào những nguy cơ này khi không được người tiêu dùng sử dụng đúng cách”, bà đưa ra kết luận
Vị chuyên gia cũng đề xuất các kiến nghị, muốn thay đổi hành vi sử dụng thức uống năng lượng và thức uống có đường trước hết là tăng cường giáo dục truyền thông về thành phần, các chất có trong trà sữa mà ở đây phải nhấn mạnh đến lượng đường có trong chúng.
Thứ hai cần khuyến khích nhà sản xuất hoặc các nơi chế biến tạo ra những ly trà sữa ít đường mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người mua lại góp phần điều chỉnh hành vi sử dụng thông qua các thay đổi nhỏ như kích cỡ, lượng đường pha chế…