Giữ lại 50% số tiền BHXH 1 lần: Không nên!

(PLO)- Phương án đề xuất giữ lại 50% tiền rút BHXH khó nhận được sự đồng tình của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó có đưa ra phương án nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động (NLĐ) đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Coi chừng lợi bất cập hại

Về quy định hưởng BHXH một lần, ngoài phương án giữ nguyên quy định hiện hành, cơ quan soạn thảo đề xuất nếu NLĐ đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ bạn đọc và chuyên gia. Anh Lê Hưng, chuyên viên pháp lý của một công ty về may mặc, góp ý: “Nếu cắt giảm 50% mức hưởng khi rút BHXH một lần sẽ là một chính sách khá sốc cho NLĐ mà chưa chắc làm như vậy sẽ giảm được số người rút. Bởi thực tế khi NLĐ đã quá khó khăn thì cho dù có cắt giảm 50% đi nữa họ vẫn chấp nhận rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, ngoài chuyện cần tiền trang trải cuộc sống thì NLĐ còn có tâm lý lo ngại đồng tiền mất giá và rút để nhận được đồng nào hay đồng nấy”.

Người dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Người dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cũng góp ý: “Theo tôi, với đề xuất giữ lại 50% tiền rút BHXH một lần có lẽ sẽ không làm giảm số người rút mà còn gia tăng. Bởi NLĐ coi việc đóng BHXH là một khoản tiền tiết kiệm để khi nghỉ việc sẽ rút ra. Việc dự thảo Luật BHXH đưa ra giải pháp này sẽ tạo ra tâm lý cho NLĐ nghĩ rằng ngành BHXH đang cố gắng tìm giải pháp để giữ chân họ lại. Điều này sẽ gây ra tâm lý ngược lại và NLĐ suy nghĩ cách để rút BHXH sớm”.

Ủng hộ giảm năm đóng BHXH

Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo là quy định giảm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Góp ý về phương án giảm năm đóng BHXH được đưa ra trong dự thảo, anh Nguyễn Hoàng Nam, công nhân giày da làm việc tại một công ty ở quận Bình Tân, TP.HCM, chia sẻ: “Dự thảo đưa ra mức giảm năm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu so với quy định hiện hành, vì đây là cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu”.

Có hai điều kiện để được hưởng lương hưu là đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi để nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình: Nam tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm ba tháng cho đến lúc 62 tuổi, nữ mỗi năm tăng bốn tháng cho đến 60 tuổi, như vậy thì thời gian để nhận lương hưu quá dài. Ví dụ như tôi năm nay 40 tuổi, tính đến thời điểm hiện tại thì tôi chỉ mới đóng BHXH được 11 năm và cần đóng chín năm nữa mới đủ thời gian đóng. Lúc đó, tôi cũng chỉ mới 49 tuổi, vậy là tôi phải chờ hơn 10 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, tại nơi làm việc của tôi không có công nhân nào quá 50 tuổi. Với tình hình thực tế như vậy, tôi phải nghỉ việc chờ cả chục năm mới được nhận lương hưu thì quá lâu.

“Do đó, nếu dự thảo đã đưa ra giảm năm đóng lương hưu còn 15 năm (so với 20 năm như hiện hành) thì cũng nên quy định không tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như quy định hiện nay nữa; nghĩa là nên quy định nữ 55 tuổi thì được nghỉ hưu, nam 60 tuổi thì được nghỉ hưu. Điều đó tạo điều kiện cho NLĐ dễ tiếp cận lương hưu” - anh Nam nói.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, nhân viên nhân sự của một công ty ở quận Tân Phú, nêu ý kiến: “Tôi là nhân viên phụ trách mảng BHXH cho doanh nghiệp với gần 300 NLĐ. Sau gần 20 năm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực này, tôi thấy mức hưởng lương hưu như hiện nay là quá thấp.

Như trường hợp của ba tôi trước đây làm cho một cơ quan nhà nước và hiện nay về hưu chỉ nhận được lương hưu hằng tháng chưa đến 3 triệu đồng. Với 3 triệu đồng thì làm sao sống đủ nếu không có nguồn thu nhập khác. Đồng ý là đóng BHXH thấp thì lương hưu sẽ thấp. Tuy nhiên, nếu tính giá trị đồng tiền từ thời điểm đóng BHXH đến thời điểm nhận lương hưu thì chênh lệch quá nhiều.

Tôi thấy việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để NLĐ có lương hưu thì tốt. Tuy nhiên, cần phải xem xét hạ tuổi nghỉ hưu xuống và phải có thêm chính sách trợ cấp cho những người đã đóng đủ 20 năm mà chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời phải xem xét lại cách tính hệ số trượt giá. Chỉ như thế mới giảm được tình trạng nhiều người rút BHXH một lần”.

Cần giải pháp ổn định trước mắt và tầm nhìn lâu dài

Hiện nay có tình trạng NLĐ sẵn sàng nghỉ việc chờ một năm sau nhận BHXH một lần trước khi luật sửa đổi có hiệu lực. Nếu số ít người nghĩ vậy thì không ảnh hưởng nhưng nhiều người cũng làm cách này thì sẽ rất hoang phí nguồn nhân lực và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta cần phải thận trọng trong việc đưa ra đề xuất để giảm số người rút BHXH. Mọi giải pháp đưa ra cũng cần có những giải pháp ổn định trước mắt và có tầm nhìn lâu dài.

Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cũng cần chấp nhận thực tế trong giai đoạn chuyển đổi. Nghĩa là với Luật BHXH sửa đổi thì việc áp dụng những đề xuất trên phải tính từ thời gian NLĐ mới tham gia. Đối với những người đã tham gia BHXH cũ thì vẫn phải đảm bảo cho NLĐ. Có như vậy mới đảm bảo được tính công bằng và sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân hơn.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm