UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức hội nghị công bố Quyết định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29-12-2023.
Đáng chú ý, theo quy hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được giữ nguyên thay vì giảm còn 1.320 ha như Quyết định 731 do UBND tỉnh Thái Bình ban hành tháng 4-2023.
Trước đó, việc UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định 731 đã gây nhiều dư luận trái chiều về việc giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Theo Quyết định 731, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định là nằm ngoài đê biển thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Theo đó, phía Bắc, phía Nam và phía Đông giáp Quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, phía Tây giáp Quy hoạch Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.
Với ranh giới này, Khu bảo tồn chỉ còn 1.320 ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn là 632 ha, diện tích đất chưa có rừng là 688 ha.
Với sự điều chỉnh như vậy, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải 10 phần chỉ còn 1.
Sự việc nóng lên khiến ngày 12-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn đã trực tiếp lên Hà Nội, thông tin đến các cơ quan báo chí về nội dung xoay quanh câu chuyện có hay không tỉnh thu hẹp mười phần còn một Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải như dư luận, báo chí quan tâm trong thời gian qua.
Khi đó, ông Hoàn cho biết tỉnh Thái Bình đã họp bàn với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT để giúp địa phương rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa và cho biết sẽ quản lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo Khu Bảo tồn được liên tục phát triển bài bản, khoa học.
Theo Quy hoạch mới được công bố, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích dự kiến khoảng 12.500 ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 5, đê biển số 6 và trong vùng rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, vùng biển huyện Tiền Hải.
Trong quyết định này, Thủ tướng cũng yêu cầu Thái Bình xây dựng đề án nghiên cứu thảm thực vật ven cửa sông và quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực châu thổ sông Hồng nói chung.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi đất rừng ngập mặn ven biển sang mục đích khác. Thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng. Giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch.