Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến về việc Thái Bình thu hẹp khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

(PLO)- Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm trong nhiều chương trình liên quan đến ứng phó với biển đổi khí hậu theo Quyết định 120 của Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải diện tích 12.500 ha, giờ chỉ còn 1.320 ha. Việc chuyển đổi trên theo Quyết định 731 xác định vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh thuộc huyện Tiền Hải vừa được UBND tỉnh Thái Bình ký ban hành vào tháng 4 vừa qua.

Trao đổi với PLO về việc điều chỉnh này, ông Đoàn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ có ý kiến về quy hoạch mà UBND tỉnh Thái Bình đưa ra. Hiện quy hoạch đang đi vào hoàn thiện, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ”.

Theo ông Nam, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Khu bảo tồn này cũng được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên địa phận xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H
Khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên địa phận xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H

Trước đó, vào năm 2020, UBND tỉnh Thái Bình có gửi văn bản tới Bộ NN&PTNT xin ý kiến về việc quy hoạch khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển nói trên.

Tuy nhiên, thời điểm đó Bộ trả lời với tỉnh rằng đây là khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các Bộ NN&PTNT; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư. Từ sau lần đó đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Thái Bình.

Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) nhấn mạnh, không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm. Bởi khu vực này nằm trong nhiều chương trình liên quan đến ứng phó với biển đổi khí hậu theo Quyết định 120 của Thủ tướng Chính phủ được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư vào đây và trong khu vực có rừng ứng phó với biến đổi khí hậu thì không được chuyển đổi.

Như đã đưa tin, hồi tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh thuộc huyện Tiền Hải.

Theo Quyết định 731, khu bảo tồn từ 12.500 ha chỉ còn 1.320 ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn là 632 ha, diện tích đất chưa có rừng là 688 ha.

Vị trí ranh giới được xác định là nằm ngoài đê biển thuộc ba xã trên. Phía Bắc, phía Nam và phía Đông giáp Quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, phía Tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

Với sự điều chỉnh như vậy, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải 10 phần chỉ còn 1.

Lý giải về việc chuyển đổi, UBND tỉnh Thái Bình đưa ra nhiều căn cứ, trong đó có Quyết định 1486/2019 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lúc ấy ký phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch này, Khu kinh tế Thái Bình có quy mô trên 30.583 ha, gồm 30 xã, một thị trấn của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, bao gồm cả Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Trong đó, phần phía Đông giáp Biển Đông hơn 50 km, phía Bắc giáp Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam và Tây Nam giáp với Nam Định qua sông Hồng, phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm