Chiều 25-8, Ban Thường vụ tỉnh Thái Bình đã có buổi họp, trong đó có nghe các cơ quan chuyên môn của tỉnh báo cáo về nội dung báo chí nêu những ngày qua về Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, được cho là bị thu hẹp 10 phần còn 1.
Đây là vấn đề mà dường như giữa tỉnh Thái Bình và các cơ quan quản lý ở Trung ương, gồm Bộ NN&PTTN và Bộ TNMT còn quan điểm khác nhau.
Để thông tin khách quan, đa chiều, PLO đã liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và được giới thiệu Sở NN&PTNN là đầu mối cung cấp thông tin. Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở NN&PTNN Đinh Vĩnh Thụy và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đinh Hải Lục đã có buổi làm việc với phóng viên.
Không có “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải”
Tại buổi làm việc này, ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, trên địa bàn tỉnh, chỉ có 01 khu bảo tồn duy nhất là Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thuỵ, được UBND tỉnh Thái Bình quyết định thành lập với tổng diện tích 6.560 ha vào năm 2019.
Khu bảo tồn này được thành lập trên cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT, và tuân thủ đẩy đủ các quy trình, thủ tục theo Luật Đa dạng sinh học.
Khu rừng ngập mặn ở khu vực xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H |
Còn “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải” nóng trên mặt báo những ngày qua, trên thực tế chỉ là tên gọi của khu rừng đặc dụng, được xác lập theo Quyết định 2159 năm 2014 cũng của Thái Bình. Khu rừng đặc dụng này được xác lập theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Nghị định 117 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý rừng đặc dụng.
"Nói chính xác là không hề có Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, mà chỉ là khu rừng đặc dụng tại Tiền Hải" - ông Lục khẳng định.
Nếu vậy tại sao trong Quyết định 2159, tỉnh Thái Bình lại đặt tên khu rừng này là Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải? PLO đặt câu hỏi.
Ông Lục giải thích: “Khi tham mưu ban hành Quyết định 2159, Sở NN&PTNT không có trang thiết bị và phương tiện để khảo sát đánh giá thực tế, nên đã kế thừa số liệu từ Quyết định số 660/KH tháng 10-1995 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phê chuẩn Dự án khả thi Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải".
Vì kế thừa như vậy nên cả tên gọi cũng như toàn bộ số liệu trong Quyết định 2159, Thái Bình lấy lại từ Quyết định 666 của Bộ Lâm nghiệp: Diện tích 12.500ha. Vị trí theo tọa độ với đỉnh phía Tây Nam nằm trong địa giới hành chính xã Tây Phong, đỉnh phía Đông Nam nằm trong khu vực biển gần địa giới hành chính xã Nam Thịnh - cách đê biển khoảng 4.839 m, đỉnh phía Tây Bắc nằm trong địa giới hành chính thị trấn Tiền Hải, đỉnh phía Đông Bắc nằm trong khu vực biển gần địa giới hành chính xã Đông Minh - cách đê biển khoảng 3.011 m.
Vị trí theo toạ độ này về sau được nhận thấy là không chính xác, đồng nhất với vị trí được cụ thể hoá về ranh giới trong Quyết định.
Theo lời văn Quyết định 2159 của tỉnh Thái Bình, đề án được phê duyệt là về "khu rừng đặc dụng", nhưng tên gọi vẫn kế thừa dự án năm 1995 của Bộ Lâm nghiệp trước đây, là "Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước". Vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích cũng kế thừa theo cách dùng cả ranh giới theo các địa danh hành chính và tọa độ địa lý. |
Vì là kế thừa nên các con số về diện tích, ranh giới trong Quyết định số 2159 ban hành 19 năm sau vẫn chỉ là tạm tính. Vậy nên, ngay trong văn bản này, UBND Thái Bình đặt ra yêu cầu phải tiếp tục cụ thể hóa.
Cụ thể, tại mục 2, Điều 3 Quyết định 2159 yêu cầu: “Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn Tiền Hải đến năm 2020 theo điều 9 Nghị định 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là cơ sở xác định về quy mô và diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải”.
Vậy việc "quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững" sau Quyết định 2159 được triển khai thế nào? PLO tiếp tục hỏi.
Ông Lục cho biết, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đến năm 2017 Sở NN&PTNT mới kiện toàn lại tổ chức bộ máy quản lý Khu Bảo tồn Tiền Hải. Tiếp đó, đến năm 2019, sau khi bố trí được kinh phí thì mới bắt tay vào làm thì lại “vướng” Luật Quy hoạch. Cứ vậy, nhùng nhằng tới năm 2023, Sở NN&PTNT Thái Bình mới hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 731 phê duyệt, xác định chính thức vị trí, quy mô, diện tích khu vực này với quy mô 1.320 ha.
Vấn đề là, hai tiêu chí này không thống nhất được với nhau: Phần màu đỏ là vị trí được xác định theo toạ độ, phần màu vàng là xác định theo địa danh hành chính (ảnh minh hoạ vị trí, vị trí có thể không chính xác đến 100%) |
Diện tích 11.180 ha còn lại theo Quyết định 2159 đã đi đâu?
Theo ông Lục, khi UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 2159, trên thực địa chỉ có chính xác 1.450 ha đúng nghĩa rừng đặc dụng, còn lại là đất bãi bồi và đất ngập nước.
Mục tiêu lúc đó là gia tăng diện tích che phủ rừng, ổn định diện tích bãi bồi, từng bước lấn biển. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do một số vị trí rừng tại khu vực này phân tán, manh mún, chia cắt và xen kẹp với đầm nuôi trồng thủy sản của người dân.
Phần lớn diện tích đất chưa có rừng (đầm, bãi triều...) đều được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, diễn biến cực đoan của thời tiết, điều kiện địa lý, địa hình ven biển phức tạp, khiến cho những mục tiêu ban đầu không đạt như kỳ vọng.
Diễn biến sau đó, một phần diện tích đất lâm nghiệp kém hiệu quả trên thực tế được đề xuất đưa vào quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, sau đó đã được Chính phủ phê duyệt năm 2019. Đồng thời giữ lại 1.320 ha khu vực có rừng tốt nhất, liền khoảnh, có giá trị bảo tồn cao cho hoạt động phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, thuộc ba xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú của huyện Tiền Hải.
“Về cơ bản, đây không phải là việc điều chỉnh diện tích rừng mà là xác định cụ thể, chính xác về vị trí, quy mô, diện tích rừng trên cơ sở khách quan, sát với thực tế ở thời điểm hiện tại nên chúng tôi thấy không nhất thiết phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương” – ông Lục nói.
Khu vực màu xanh lá cây (rừng ngập mặn) là khu vực rừng đặc dụng được xác định theo Quyết định 731 mới nhất của tỉnh Thái Bình |
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái
Trong buổi làm việc PLO, ngoài thông tin chi tiết mà Chi cục trưởng Kiểm lâm Đinh Hải Lục cung cấp thì Giám đốc Sở NN&PTNT Đinh Vĩnh Thụy cũng chia sẻ quan điểm của Thái Bình trong việc khai thác tài nguyên đất đai huyện ven biển Tiền Hải.
"Thái Bình là vùng đất ven biển, được hình thành bởi phù sa bồi lấp của sông Hồng, sông Thái Bình cũng như nỗ lực khai hoang lấn biển bao đời của người dân địa phương. Vì vậy, công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng" - ông Thụy khẳng định.
Để phát triển rừng, những năm qua tỉnh Thái Bình đã có chủ trương và nhiều cơ chế chính sách. Với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp, với tất cả các dự án chuyển mục đích sử dụng đất thì tỉnh đều yêu cầu chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế.
Vì vậy đến nay toàn tỉnh đã mở rộng được 4.300ha rừng ven biển, tăng gần 600ha so với năm 2015. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trồng mới thêm 1.000ha và trồng bổ sung 500 ha.
Theo ông Thụy, bảo tồn và phát triển là hai nhiệm vụ song song mà Thái Bình luôn phải cân đối. Chính vì vậy, sau khi quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được Chính phủ phê duyệt năm 2019 bằng Quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lúc ấy ký, các sở ngành Thái Bình đã phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan.
Một trong những kết quả rà soát là Quyết định 731/2023, xác định rõ vị trí, quy mô ranh giới cho khu rừng đặc dụng Tiền Hải, với quy mô 1.320ha, chứ không phải là 12.500 ha mà Quyết định 2159 năm 2014 có phần chưa đúng mà tỉnh Thái Bình kế thừa từ Quyết định 666 năm 1995 của Bộ Lâm nghiệp.
"1.320ha đó là có giá trị bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng thực sự, có ranh giới rõ ràng để quản lý, tránh chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt " - Giám đốc Sở NN&PTNT Đinh Vĩnh Thụy nhấn mạnh.