Thái Bình sẽ lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đúng với tên gọi

(PLO)- Thái Bình cho biết sẽ rà soát để lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo đúng các quy định pháp luật, tránh gây nhầm lẫn như thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn đã trực tiếp lên Hà Nội, thông tin đến các cơ quan báo chí về nội dung xoay quanh câu chuyện có hay không tỉnh thu hẹp mười phần còn một Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải như dư luận, báo chí quan tâm trong thời gian qua.

Rà soát kỹ lưỡng, lập khu bảo tồn theo luật định

Sau sự cố truyền thông vừa qua, ông Lại Văn Hoàn cho biết Thái Bình đã họp bàn với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT để giúp địa phương rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa.

Khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên địa phận xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H
Khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên địa phận xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H

Điều này để đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, việc mà trước đây Thái Bình chưa làm được. Trên cơ sở đó tiếp tục trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển KT-XH và phát triển không gian kinh tế biển đa dạng theo Quyết định 1486/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

“Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã thống nhất sẽ cử Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo quy định của pháp luật đảm bảo Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học” - ông Hoàn nói.

Lý giải về sự hiểu nhầm

Phó Chủ tịch Thái Bình cho biết với đặc điểm là vùng biển bồi, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, trước những năm 1980, vùng ven biển của tình duyên hải Bắc bộ này chủ yếu là bãi triều ngập nước.

Năm 2014, Thái Bình đã ban hành Quyết định 2159, phê duyệt đề án xác lập diện tích rừng ngập mặn 12.500ha với tên gọi Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Tuy nhiên, tương tự như đã giải thích với PLO trước đây, đại diện tỉnh Thái Bình chia sẻ với đại diện các cơ quan báo chí tại Hà Nội rằng khi ra quyết định này, các chi tiết về phạm vi, ranh giới, quy mô khu bảo tồn này chỉ mang tính định tính. Đến mức, diện tích 12.500ha chỉ là “tạm tính” từ nguồn dữ liệu cũ, tương ứng nhất là từ Quyết định số 660/KH tháng 10-1995 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp lúc đó, phê chuẩn Dự án khả thi Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trong đó xác định diện tích là 12.500ha.

Tuy nhiên, còn có các dữ liệu khác nhau về diện tích vùng bảo tồn, chẳng hạn 3.245ha theo Nghị quyết của Chính phủ năm 2013 về quy hoạch sử dụng đất Thái Bình đến năm 2020; rồi 7.067ha gọi là vùng lõi hai khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng theo dữ liệu đề xuất UNESCO công nhận năm 2013; và con số 3.583ha theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng mà Thái Bình ban hành năm 2014.

Đó là chưa kể, các dữ liệu về vị trí, ranh giới của khu vực có tên Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trong Quyết định 2159/2014 của Thái Bình chưa có sự đồng nhất; vị trí theo tọa độ địa lý với vị trí theo mô tả bằng lời không trùng khớp, không có bản đồ kèm theo.

Khu rừng đặc dụng nằm trong khu vực có tên Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Khu rừng đặc dụng nằm trong khu vực có tên Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Vì chưa có sự chắc chắn, chính xác ấy mà ngay trong Quyết định 2159, Thái Bình lưu ý: “Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích khu rừng đặc dụng này”.

Lời văn này cho thấy, Quyết định 2159 không thống nhất về khái niệm pháp lý của khu vực này, lúc thì là rừng đặc dụng, lúc thì là khu bảo tồn thiên nhiên - vốn được điều chỉnh bởi các luật khác nhau.

Về khu bảo tồn, Phó Chủ tịch Lại Văn Hoàn cho biết Thái Bình mới chỉ có Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy là được thiết lập theo pháp luật về khu bảo tồn.

Theo ông Hoàn, đây là khu vực mà do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ ra biển, bị thay đổi, nên đa dạng sinh học ở đây cũng bị thay đổi, các loài sinh vật đặc hữu từ Tiền Hải di chuyển sang khu vực bãi bồi của huyện Thái Thụy. Đây là điều kiện thuận lợi để năm 2019, Thái Bình đã đề xuất hình thành Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, diện tích 6.560 hecta, trong đó rừng ngập mặn là 1.131ha.

Trước đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1486 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình có diện tích hơn 30.500 hecta (được các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ ngành xây dựng và thẩm định trên các căn cứ khoa học và thực tiễn phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh).

Khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên địa phận xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H

Khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên địa phận xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: T.H

Liên quan đến khu vực rừng, đất ngập nước Tiền Hải này, năm 2017, Thủ tướng quyết định thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Đến năm 2019, Thủ tướng có Quyết định 1486 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình diện tích hơn 30.500ha.

Trong Quyết định 1486, Thủ tướng yêu cầu “UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình”

Quá trình rà soát sau đó, ngày 17-4, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định 731 xác định rõ hơn vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng mà Quyết định 2159/2014 gọi tên là Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, với diện tích 1.320ha.

Theo ông Hoàn, diện tích này bao gồm rừng hiện tại cùng đất, mặt nước khả thi, phù hợp để phát triển rừng trong những năm tới theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp.

Tuy nhiên, con số 1.320ha này đã bị hiểu lầm là Thái Bình xóa sổ Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, thu hẹp diện tích 90%, so với con số năm 2014 là 12.500ha.

Tại cuộc báo cáo của đại diện UBND tỉnh Thái Bình về dư luận liên quan đến nghi vấn thu hẹp diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, đại diện PLO đã có ý kiến góp ý với chính quyền Thái Bình.

Theo đó, nếu tỉnh chủ động cung cấp thông tin thì các cơ quan báo chí với trách nhiệm của mình đã có thể chuyển tải đầy đủ hơn với bạn đọc, tránh gây dư luận tiêu cực đáng tiếc như thời gian qua.

Phó Chủ tịch Lại Văn Hoàn cảm ơn những lời góp ý trách nhiệm của báo chí và cho biết sẽ cung cấp thông tin đầy đủ để báo chí ủng hộ với công cuộc phát triển KT-XH của địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm