TÌM THƯƠNG HIỆU CHO SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG - BÀI 2

Giữ tiếng thơm cho thương hiệu

Thực tế cho thấy hầu hết nông sản có thương hiệu được đăng ký thì lợi ích kinh tế sẽ tăng thêm, cụ thể là tăng giá bán. Tuy nhiên, việc đăng ký hay không, sử dụng thế nào, phát triển ra sao… thường phụ thuộc vào người dân và địa phương. Khi chưa thấy lợi ích kinh tế thì người dân và địa phương chưa nhiệt tình.

 Thấy lợi thì đã chậm

Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu tập thể đều do địa phương cân nhắc. Đăng ký chỉ dẫn địa lý thì cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, có phần phức tạp hơn. Đối với người dân có nông sản thì đăng ký cái nào cũng có lợi ích kinh tế. Nhiều trường hợp địa phương đăng ký trước nhãn hiệu tập thể, rồi từ từ đăng ký chỉ dẫn địa lý sau.

Ông Hùng cho biết từ khi có Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) thì không cho phép cá nhân, doanh nghiệp lấy tên địa danh để đăng ký nhãn hiệu riêng cho mình nữa. Địa danh được xem là tài sản quốc gia. Nhờ quy định này mà tránh được các mâu thuẫn về địa danh - nhãn hiệu. Tuy nhiên, các nhãn hiệu đã được đăng ký hợp pháp trước đây thì không bị hủy để không gây bất lợi cho người đăng ký.

Ông Hùng cũng cho biết trong thực tế có nhiều trường hợp nông dân và địa phương thấy nông sản đó bắt đầu mang lại lợi nhuận cao, muốn đăng ký thì đã chậm. Ví dụ trường hợp xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) hay vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) trước đây đã được đăng ký là nhãn hiệu tập thể và chỉ có một số hợp tác xã trong tập thể đó được sử dụng nhãn hiệu này. Sau đó địa phương muốn đăng ký thành chỉ dẫn địa lý, cho nông dân trong vùng dùng chung. Cũng may là vào thời điểm đó, các hợp tác xã tự nguyện rút lui, bỏ lợi ích nhỏ của mình mà xây dựng cái chung nên hai địa danh trên cuối cùng cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý êm đẹp.

Thương hiệu được cấp bảo hộ có mang lại lợi ích kinh tế bền vững hay không còn phụ thuộc phần lớn vào khâu quản lý, sử dụng. Ảnh: HTD

Giữ được mới khó

thương hiệu, được cấp bảo hộ xong vẫn chưa đủ. Nông sản có mang lại lợi ích kinh tế bền vững hay không còn phụ thuộc lớn vào khâu quản lý, sử dụng.

Ví dụ, bưởi Đoan Hùng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đã có thị trường vững chắc, giá cũng tăng. Khâu xây dựng xem như đã ổn. Thế nhưng ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, cho biết với nông sản, xây dựng được thương hiệu đã khó, duy trì thương hiệu đó còn khó hơn. Bởi lẽ, để duy trì thương hiệu thì cũng phải duy trì chất lượng nông sản. Cây trồng có đời sống của nó, có sinh, có phát triển, có thoái hóa. Ví dụ, một cây bưởi trồng bằng hạt có thể duy trì đến 20 năm nhưng nếu trồng bằng chiết cành thì chỉ chục năm là cây thoái hóa. Để giữ gìn được một giống cây, một loại quả ngon là vấn đề phức tạp, cần đầu tư lâu dài về khoa học, công nghệ. Đó là chưa kể phải tìm cách tăng sản lượng, đáp ứng thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Anh kể chuyện tỉnh Phú Thọ đã nhìn thấy vấn đề nan giải này nên đã nghiên cứu khá nhiều biện pháp để vừa duy trì giống, vừa phát triển trồng thêm bưởi Đoan Hùng đáp ứng nhu cầu kinh tế. Khi mới được cấp chỉ dẫn địa lý, vùng có cây bưởi chỉ độ 400 ha. Từ năm 2005, tỉnh đã cố gắng phát triển thêm 1.000 ha, trồng bằng hạt cũng có, bằng chiết cành, cấy mô cũng có… Với những vườn quả lâu năm, khi cây bị thoái hóa thì nông dân cũng nhờ hỗ trợ kỹ thuật để trồng lại cây mới.

Trong báo cáo về nâng cao hiệu quả quản lý sở hữu trí tuệ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam trong hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ tháng 11-2011, tỉnh này cũng mừng khi quế Trà My vừa được công nhận là chỉ dẫn địa lý (mới nhất được cấp). Quế Trà My nổi tiếng thơm, nhiều tinh dầu. Tỉnh Quảng Nam đánh giá cây quế có tiềm năng phát triển rất lớn. Thế nhưng cái khó hiện nay là cây quế gốc, đúng “chất” Trà My hiện bị thu hẹp về diện tích. Trong khi đó người dân cứ trồng giống quế ngoại lai có hàm lượng tinh dầu thấp, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của quế Trà My.

Khai thác kém hiệu quả

Ông Trần Việt Hùng cho rằng Nhà nước đã có nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ xây dựng, thậm chí là hỗ trợ quản lý sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có thể do nông dân, địa phương chưa thấy lợi ích rõ ràng của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể nên việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả.

Hơn 260 nhãn hiệu tập thể được cấp

Đến nay đã có gần 430 đơn xin bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng cho hơn 260 nhãn hiệu tập thể. Trong số đó có lượng lớn nhãn hiệu tập thể là địa danh.

Ông LƯU ĐỨC THANH, Phòng Chỉ dẫn địa lý - Cục Sở hữu trí tuệ

TP.HCM có gì?

Trong danh mục 220 địa danh - đặc sản mà Cục Sở hữu trí tuệ thống kê năm 2009 thì TP.HCM không có địa danh - đặc sản nào, một phần là vì thế mạnh của TP.HCM không phải là nông sản.

Tuy nhiên, hiện có bánh tráng Phú Hòa Đông đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và sữa bò Củ Chi đang được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

(Phòng Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới