Giúp trẻ vị thành niên vượt qua ý định tự tử

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ vị thành niên thường có vấn đề tâm lý rất phức tạp lại thiếu kỹ năng sống nên khi gặp hoàn cảnh bất lợi là các em nghĩ ngay đến cái chết. Do nguyên nhân tự tử của trẻ vị thành niên khác nhau nên không thể có công thức chung để giải quyết các vấn đề tự tử ở giới trẻ. Dưới đây là một số trường hợp trẻ tự tử không thành, đã được tư vấn tâm lý sau đó từ bỏ ý định tự tử. Qua đó, phụ huynh có thể có cách tư vấn khi con mình rơi vào hoàn cảnh này.

1. Em NVA là học sinh giỏi một trường THCS tại TP.HCM. Gia đình A. vừa xảy ra biến cố: Chỉ trong vòng một tháng A. đã mất hai người thân yêu nhất của mình là bố và mẹ. Cho rằng hai người yêu quý nhất đã bỏ em ra đi, không còn mục đích để tiếp tục sống, chẳng còn niềm tin và hy vọng vào một tương lai nào, A. muốn được “đi theo” bố mẹ nên nảy sinh ý định tự tử.

Chuyên viên tâm lý ĐỖ VĂN SỰ, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt

Qua buổi tư vấn chúng tôi đã giúp em cải thiện được suy nghĩ bằng nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là phương pháp tự nhận thức. Tôi chỉ cho em xem những trường hợp các bạn trẻ khác đã hành động như thế nào khi mất người thân. Đồng thời, cũng chỉ ra những trường hợp họ đã trở thành nạn nhân của chính mình như thế nào khi bị cuốn vào những dòng suy nghĩ tiêu cực. Tôi cũng giúp em nhận thức được mình sẽ trở thành một người như thế nào nếu cứ tiếp tục sống với những suy nghĩ ấy và sẽ thế nào nếu thoát ra khỏi những suy nghĩ ấy. Tôi cũng khuyên A. điều cần làm bây giờ là sống cho chính mình vì làm như thế cũng chính là sống cho bố mẹ mình... Hiện tinh thần em đã phấn chấn trở lại và từ bỏ ý định tự tử.

Cha mẹ cần có thói quen chia sẻ và lắng nghe tâm tư của con cái sẽ giúp trẻ vượt qua ý định tự tử. Ảnh minh họa: H.VI

2. Bé gái NTT, 11 tuổi, ở quận Thủ Đức, TP.HCM có nhóm bạn thân là con của các gia đình khá giả. Sau khi nghe các bạn sắp được đi du học, T. đã về xin ba mẹ cùng đi với bạn bè. Vì điều kiện khó khăn nên gia đình không thể đáp ứng được nguyện vọng của T. Nhưng thay vì nói chuyện, tư vấn cho con, mẹ T. lại la mắng, xúc phạm con gái. Cho rằng cuộc sống bế tắc, tương lai đã khép lại nên T. mua thuốc về tự tử. Nhờ được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên T. đã qua cơn nguy kịch, sau đó em được chuyển sang khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 để điều trị tâm lý.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ DIỆU ANH, khoa Tâm lý BV  Nhi đồng 1:

Đối với trường hợp này, chúng tôi không vội đề cập, khơi gợi lại nguyên nhân tự tử của T. Thời gian đầu tiếp xúc, T. vẫn còn mệt mỏi, lo lắng, thất vọng và thiếu hợp tác. Sau một thời gian, T. mới chịu lắng nghe và chia sẻ. T. bắt đầu kể về nguyên nhân tự tử và vẫn kiên quyết tỏ rõ ý định đi du học vì cho rằng đó là con đường duy nhất để thay đổi tương lai. Từ những suy nghĩ đó của T., chúng tôi đã cùng em tìm ra phương án khả thi nhất là tìm các cơ hội học bổng toàn phần để đi du học. Để thực hiện mong ước, T. cần có thêm thời gian để trau dồi tiếng Anh và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng. Từ đó T. tỏ ra rất lạc quan và vui vẻ hơn ở các lần hẹn tư vấn sau.

3.LVB, 15 tuổi, ở quận 5 một lần lỡ miệng khoe với bạn là sắp có một chiếc điện thoại iPhone 5. Nhưng do không được cha mẹ chiều ý, cộng với sự chế giễu của bạn bè cùng tâm lý muốn thể hiện mình bằng mọi cách nên B. đã vạch ra kế hoạch “tự tử giả” để thực hiện mơ ước. B. mua một lọ thuốc trừ sâu, viết một lá thư “tuyệt mệnh” để lại trên bàn, sau đó vào phòng đóng kín cửa và uống một ngụm thuốc trừ sâu. Do ba mẹ B. tìm thấy lá thư tuyệt mệnh nên đã đưa em vào bệnh viện cấp cứu kịp thời...

Chuyên viên tâm lý ĐỖ VĂN SỰTrung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt:

Đây là trường hợp phổ biến ở một bộ phận giới trẻ. Do tâm lý của B. đang phát triển chưa ổn định nên dẫn đến một số hành động thiếu suy nghĩ. B. đang lợi dụng tình yêu thương của bố mẹ mình để “trục lợi” cho cá nhân và dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng. Đối với các trường hợp này, phụ huynh cần nghiêm khắc, cứng rắn khi dạy dỗ trẻ, không nên chiều theo ý của trẻ. Cần khéo léo cân nhắc, thương lượng với trẻ trong việc tặng quà, mua sắm vật dụng mới. Chẳng hạn như việc thương lượng với con học tập tốt thì sẽ được tặng quà… Đối với những trường hợp trẻ có đủ khả năng lao động nhẹ thì khuyến khích trẻ làm việc phù hợp với sức của mình và kiểm soát tiền bạc của trẻ. Điều này tạo thêm tính tự lập cho trẻ và trẻ sẽ trân trọng hơn món quà mà mình có được.

Dấu hiệu của người muốn tự tử

Người muốn tự tử thường hay bị kích động trong các hành vi ứng xử, mất cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Họ nói về cái chết, nghĩ đến những cách thức tự tử, lập kế hoạch tự tử. Mỗi lần có chuyện gì chạm đến nỗi buồn đau, họ thường nói những lời như trăng trối, họ hay viết thư tuyệt mệnh, có những hành vi lạ lùng, những câu nói khó hiểu, vô nghĩa như “thà chết còn hơn”, “chết còn sướng hơn”, “chết là giải thoát”… Họ cũng thường cười vu vơ, dễ khóc hoặc câm lặng, co mình lại, né tránh đám đông để gặm nhấm nỗi cô đơn bế tắc.

ThS tâm NGUYỄN THỊ TÂM,Giám đốc Trung tâm Đào tạo và
Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết do tự tử, khoảng 10-20 triệu người tự tử không thành. Nhóm người dễ tự tử là những người trẻ: Nhóm trẻ vị thành niên và nhóm tuổi dưới 35.

HUYỀN VI - NAM TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới