Thông tin này được Bộ Công Thương đưa ra nhằm trả lời kiến nghị của Sở Công Thương Phú Thọ về việc: Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TT-TT và các cơ quan liên quan quy định, hướng dẫn nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với hình thức kinh doanh qua mạng xã hội, đặc biệt như Zalo, Facebook, TikTok...
Kiến nghị này trao đổi tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc lần thứ 10, diễn ra tại Hà Nội, ngày 17-5.
Trước kiến nghị của Sở Công Thương Phú Thọ, Bộ Công Thương giải thích, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử (TMĐT) đã bổ sung, làm rõ trách nhiệm và bổ sung chế tài đối với vi phạm.
Về trách nhiệm, quy định chủ mạng xã hội/sàn giao dịch TMĐT gỡ bỏ thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.
Về chế tài, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng đã bổ sung biện pháp xử lý (phạt tiền hoặc đình chỉ giấy phép hoạt động TMĐT) đối với các hành vi kinh doanh, buôn bánhàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.
"Căn cứ trên các quy định của pháp luật, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, livestream (Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube...), các đầu mối vận chuyển hàng hoá qua bưu cục, điểm trung chuyển hàng hoá.
Theo đó, từ năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ hơn 7.000 gian hàng với gần 19.000 sản phẩm vi phạm. Năm 2022 gỡ bỏ/khóa gần 2.000 gian hàng với hơn 6.000 sản phẩm vi phạm.
Năm 2023, gỡ bỏ/khóa hơn 6.000 gian hàng với hơn 23.000 sản phẩm vi phạm"- Bộ Công Thương nêu rõ.
Trong những tháng đầu năm, việc rà soát và xử lý các vụ việc vi phạm về hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội, TMĐT cũng được cơ quan chức năng liên tục xử lý. Đơn cử, mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong hoạt động TMĐT, xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.