TP.HCM: Lắng nghe mạng xã hội để hiểu dân nhiều hơn

(PLO)- Phần mềm Lắng nghe mạng xã hội nhằm nắm bắt tâm tư và đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-2, Sở TT&TT TP.HCM ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội (MXH) bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo báo cáo mới nhất của DataReportal, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, trong đó có đến 72,7 triệu người sử dụng MXH (Facebook, YouTube, TikTok…), điều này cho thấy MXH đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Hiểu thêm tâm tư của người dân

Tại sự kiện công bố triển khai phần mềm Lắng nghe MXH - SocialBeat, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết việc sử dụng MXH là hoạt động thường xuyên trong đời sống của người dân, có tác động rất mạnh về mặt tư duy, tương tác.

TP.HCM có hơn 10 triệu dân, 22 triệu tài khoản MXH thường xuyên và cũng là địa bàn có số lượng người sáng tạo nội dung nhiều nhất cả nước. Do đó, TP rất cần có một công cụ lắng nghe ý kiến, hiểu được những điều mà người dân đang quan tâm, từ đó tham mưu cho công tác thực thi chính sách của TP.

Lắng nghe mạng xã hội
Phần mềm Lắng nghe mạng xã hội bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của TP.HCM vừa được ra mắt.
Ảnh: MINH HOÀNG

“TP sẽ ứng dụng phần mềm SocialBeat cho tất cả sở, ngành, địa phương. Đồng thời chuyển từ việc xây dựng sang đầu tư, thuê dịch vụ bên ngoài nhằm giảm thiểu thủ tục và đặc biệt là tối ưu hóa về mặt nhân lực. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất thông qua việc ứng dụng phần mềm này là thông tin từ người dân, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp trên Internet sẽ được tổng hợp một cách kịp thời.

Để đảm bảo an toàn thông tin, TP sẽ phân quyền, giám sát quá trình sử dụng và ban hành một quy chế sử dụng phần mềm. Mục đích sử dụng phần mềm phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và trên hết là phục vụ chính quyền TP, phục vụ người dân và doanh nghiệp, không được sử dụng vào các mục đích cá nhân sai pháp luật” - ông Thắng nhấn mạnh.

Cơ sở đề xuất chiến lược phát triển TP

Về cơ bản, phần mềm này chỉ là một phương tiện về mặt công nghệ thông tin, có khả năng thu thập thông tin công khai trên các nền tảng phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube…, giúp TP có cái nhìn tổng quan về tâm tư, ý kiến của người dân theo thời gian thực. Bên cạnh đó, phần mềm còn có thể tự động phân tích dữ liệu thông minh theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực hoặc địa phương nhờ công nghệ AI thay vì phải thống kê và phân tích theo cách thủ công.

Với lượng thông tin lớn, các sở, ngành, địa phương có thể tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ cho đến các báo cáo chuyên sâu và đưa ra xu hướng dự báo trong thời gian tới.

w-P13_lang-nghe-mang-xa-hoi_h2.jpg
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, phát biểu tại sự kiện công bố ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội. Ảnh: MINH HOÀNG

Thông tin thu thập được trên Internet về TP là nguồn tư liệu quan trọng, đây có thể xem là tiếng nói, mong muốn của người dân đối với chính quyền. Từ đó, chính quyền có các đề xuất để phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nhu cầu, mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, SocialBeat còn giúp lãnh đạo TP nắm bắt nhanh nhất diễn biến về các lĩnh vực, hoạt động của chính quyền cơ sở được người dân phản ánh trên các nền tảng MXH.

“Nếu phần mềm này là dụng cụ nhà bếp, nguyên liệu cung cấp là thông tin trên mạng thì việc sáng tạo những món ăn nào sẽ phụ thuộc vào từng sở, ngành, địa phương. Ví dụ, khi ban hành một chính sách, quận 10 có thể sử dụng phần mềm để biết được người dân có quan tâm đến chủ trương, chính sách đó hay không, từ đó tiếp thu và điều chỉnh” - ông Thắng chia sẻ.

Cũng tại sự kiện công bố triển khai phần mềm Lắng nghe mạng xã hội, Sở TT&TT TP.HCM, Đoàn Luật sư TP và Hiệp hội Doanh nghiệp TP đã ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Hiện tại, Sở TT&TT tỉnh Bình Phước cũng đang ứng dụng hệ thống Lắng nghe mạng xã hội bằng AI để nắm bắt thông tin trên MXH, phân tích, đánh giá, kịp thời xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) sẽ báo cáo các thông tin trên MXH có liên quan đến từng địa phương, dựa trên cơ sở đó, lãnh đạo địa phương có thể ra chỉ đạo kịp thời.

Sẽ ra mắt ứng dụng Công dân TP

TP.HCM hiện xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số quốc gia và được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tặng giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc.

Dự kiến trong năm 2024, TP.HCM sẽ ra mắt ứng dụng Công dân TP trên nền tảng di động nhằm giúp người dân trao đổi, giao dịch với chính quyền hiệu quả và thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, trong năm nay TP cũng sẽ hoàn thành hai hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm