Hôm nay, 14-5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết Cục Bảo vệ thực vật đã họp trực tuyến với các đối tác liên quan của Nhật Bản để bàn về việc hoàn thiện tất cả các thủ tục cho xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản.
Tại buổi họp, phía Nhật Bản cho biết việc kiểm tra, kiểm soát quả vải có thể ủy quyền cho phía Việt Nam cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Lân bên vườn vải thiều của gia đình được trồng theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Ảnh: AN HIỀN
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ với sự vào cuộc quyết liệt và thiện chí của phía Nhật Bản, Việt Nam hy vọng sẽ có lô vải đầu tiên xuất được xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ NN&PTNT cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ sớm tổ chức lễ xuất khẩu quả vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản.
Hiện Bộ NN&PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, đại sứ quán hai nước đã và đang có sự phối hợp rất chặt chẽ để chuẩn bị mọi điều kiện đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.
Để chuẩn bị, Bộ NN&PTNT đã làm việc với các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Các tỉnh rất chủ động quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng vào Nhật Bản với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cử cán bộ về tận địa phương hướng dẫn, theo dõi từng quy trình sản xuất và đánh giá lại toàn bộ công tác chuẩn bị.
Năm nay, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn, thu hoạch từ ngày 20-5 đến 5-6; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn, thu hoạch từ ngày 10-6.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng.
Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Chia sẻ với PLO, ông Trần Văn Lân (SN 1967, ngụ thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết hiện gia đình ông có 650 cây vải thiều, năm nay sản lượng dự tính được khoảng gần 50 tấn. Diện tích vải của gia đình ông được chọn sản xuất theo quy trình GlobalG.A.P, định hướng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Nhật Bản là thị trường khó tính, do vậy việc trồng trọt, chăm sóc cây cần phải theo quy trình nghiêm ngặt. Các loại thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng cũng phải theo khuyến nghị của các chuyên gia Nhật Bản.
Nhiều khi gặp khó, loại thuốc mà phía các chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị sau khi phun qua một ngày vẫn không thấy sâu chết. Trong khi đó, sâu bệnh, bọ xít đang rất nhiều, nguy cơ sâu cuống xâm nhập rất lớn khiến người dân lòng như lửa đốt.
"Việc sản xuất theo hướng GlobalG.A.P rất khắt khe, loại thuốc sử dụng không tiêu diệt sâu bệnh được tức thì nên người dân phải bỏ nhiều công chăm sóc hơn. Nhờ vậy ban đầu gia đình tôi dự tính thu hoạch được khoảng 35 tấn, nhưng đến nay sản lượng có khả năng vượt lên được gần 50 tấn" - ông Lân chia sẻ.