Mở đầu hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ” diễn ra ngày 21-12, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VN) - Viforest, nhấn mạnh năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt đối với ngành gỗ VN. Dù đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn tăng mạnh.
Tính hết 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều tra phòng vệ thương mại gia tăng
Tuy nhiên, bên cạnh con số xuất khẩu thăng hoa thì ngành gỗ VN đang phải đối mặt với không ít thách thức. Ông Phùng Gia Đức, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, nhận định: Nhờ các hiệp định thương mại tự do, VN có cơ hội rất lớn để đưa hàng hóa, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ ra nước ngoài và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ thăng hoa vô hình trung lại tạo ra sức ép đối với hàng hóa tương tự sản xuất tại các nước nhập khẩu. Vì thế, các nước nhập khẩu có xu hướng nhận được những đơn yêu cầu áp dụng biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu gỗ từ VN.
“Chúng ta đang bước vào chu kỳ mà sắp tới đây phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của VN. Mặc dù trên thế giới, sản phẩm gỗ trong nhóm ít bị điều tra nhưng đối với VN thì lại khá nhiều những vụ việc liên quan đến sản phẩm gỗ” - ông Đức cho biết.
Đáng chú ý, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, hiện Mỹ đã khởi xướng hai cuộc điều tra theo Điều khoản 301 Luật Thương mại năm 1974 về việc định giá thấp đồng nội tệ và hoạt động xuất khẩu gỗ đối với VN.
“Với hai nội dung này, Chính phủ đã giao cho hai trưởng nhóm là Ngân hàng Nhà nước phụ trách vấn đề tiền tệ và Bộ NN&PTNT phụ trách vấn đề xử lý những câu hỏi liên quan của Mỹ về chuyển tải gỗ bất hợp pháp. Hai nội dung này hiện đã được VN cung cấp thông tin cho Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ” - đại diện Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
Gần 200 vụ việc về phòng vệ thương mại
Theo Bộ Công Thương, tính đến nay VN đã bị áp dụng đến 199 vụ việc về phòng vệ thương mại. Trong năm năm gần nhất, chúng ta có 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Những nước tích cực nhất trong điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa VN là Mỹ với 40 vụ, Ấn Độ 27 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 23 vụ, Úc 16 vụ, Canada 16 vụ, EU 14 vụ và Philippines 12 vụ.
Riêng trong năm 2020, VN bị điều tra tổng cộng 37 vụ việc, cao gấp 2,5 lần so với năm 2019.
Xuất khẩu gỗ tăng mạnh nhưng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Ảnh minh họa: VŨ KHÁNH
Chuẩn bị kỹ càng để giải trình, phản biện
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, bày tỏ lo ngại: “Qua các bài phát biểu tại hội thảo, chúng ta thấy có một vấn đề nghiêm trọng từ việc Mỹ mở cuộc điều tra theo Điều khoản 301 Luật Thương mại với gỗ. Theo đó, 95% vụ kiện hầu như đều trở thành hiện thực, nghĩa là 95% ngành chế biến gỗ của chúng ta dự báo sẽ bị áp thuế. Nếu bị áp thuế với mức 25% thì ngành công nghiệp chế biến gỗ chấm dứt thời kỳ phát triển liên tục trong thời gian vừa qua”.
Để giải quyết vấn đề này, ông Hiệp cho rằng vấn đề gốc rễ là phải giải quyết cho được nguồn gốc gỗ, bởi vấn đề này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nghị định 102/2020 về đảm bảo gỗ hợp pháp đã phân biệt ra những quốc gia nằm ở vùng địa lý tích cực và không tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một khối lượng lớn gỗ nhập khẩu từ châu Phi xuất phát từ vùng địa lý không tích cực.
“Nghị định 102 nói khá nhiều về phân loại gỗ nhưng có phân loại kiểu gì đi chăng nữa mà chúng ta vẫn nhập từ những nguồn ở vùng địa lý không tích cực thì cũng đồng nghĩa chúng ta vẫn tiếp tục phải chấp nhận sự việc này xảy ra” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, cho biết thêm: Ngày 2-10, Mỹ khởi xướng điều tra nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Hiện hiệp hội đã chuẩn bị rất kỹ càng về mặt số liệu, kỹ thuật tất cả nguồn gỗ nhập khẩu của VN để giải trình và phản biện với Mỹ.
Theo ông Lập, năm 2019, gỗ nhập về sử dụng nội địa ở khu vực rừng nhiệt đới khoảng 1,5 triệu khối, tương đương hơn 30% gỗ nhập khẩu của VN. Tất cả loại gỗ đều có số liệu nhập khẩu kỹ càng.
“Hiệp hội đã soạn thảo rất kỹ và được tư vấn qua các công ty luật của Mỹ, Ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN. Hiệp hội cũng tiến hành ký cam kết với các hiệp hội địa phương, các doanh nghiệp về việc không kinh doanh, sử dụng gỗ bất hợp pháp để gửi thông điệp cho bên Mỹ. Hiệp hội cũng gửi các thư yêu cầu đối với các hiệp hội gỗ quốc tế, các công ty Mỹ mua hàng của VN có những ý kiến phản biện về quá trình mua hàng liên quan đến việc Mỹ khởi xướng điều tra vấn đề này” - ông Lập cho hay.
Nhiều vướng mắc khi thực hiện Nghị định 102/2020
Ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Viforest, nêu một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định 102 và Quyết định 8432 ngày 27-11-2020 của Bộ NN&PTNT ban hành danh sách vùng địa lý tích cực và danh mục các loại gỗ nhập khẩu vào VN.
Đó là việc xác định các loại gỗ nhập khẩu vào VN theo tên khoa học thường gặp một số khó khăn như viết sai lỗi chính tả, sót từ, sai các tên khoa học... Điều này khiến công ty gặp khó khi làm thủ tục hải quan và gặp rủi ro trong việc giải trình xác nhận hồ sơ lâm sản.
Một khó khăn nữa là VN chỉ công nhận 51 quốc gia và vùng lãnh thổ là vùng địa lý tích cực khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào VN. Danh sách các quốc gia này sẽ tiếp tục được cập nhật theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường hợp vướng mắc lại đến từ vùng địa lý không tích cực nên gặp khó khăn trong việc kê khai.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong khâu nhập khẩu, nhất là gỗ nguyên liệu nhập khẩu nằm ở vùng địa lý không tích cực và là gỗ có tính rủi ro, nhất là gỗ từ rừng tự nhiên. Đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp cập nhật kịp thời danh sách vùng địa lý tích cực” - ông Thanh kiến nghị.
(PLO)- Sau đợt thiên tai ở miền Trung, các hiệp hội ngành Gỗ Việt Nam đồng loạt ký cam kết phát triển ngành gỗ Việt theo hướng bền vững, nói không với gỗ bất hợp pháp.