Tủ bếp, tủ nhà tắm là mặt hàng chiến lược tại thị trường Mỹ

Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2020 được tổ chức chiều ngày 25-9 tại Bình Định, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định trong các tháng đầu năm ngành gỗ Việt Nam đã chịu nhiều tác động mạnh mẽ.

Trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2020, giá trị xuất khẩu giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Nguyên nhân là do tác động của dịch COVID-19 và các vụ việc cạnh tranh thương mại.

Những tháng đầu năm 2020, ngành gỗ chịu nhiều tác động do dịch COVID-19 và cạnh tranh thương mại. Ảnh minh họa: KH.V

Bắt đầu từ tháng 7-2020 khi dịch bệnh đã dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa nên nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng trở lại, trong tháng 8-9 giá trị xuất khẩu đã tăng ở mức hai con số.

"Đặc biệt, lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 8 đã đạt trên 1 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019" - ông Nghĩa thông tin.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận xét, bên cạnh những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 thì qua giai đoạn này còn chứng kiến sự nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp gỗ.

"Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, những chuỗi cung ứng của ngành gỗ không bị đứt gãy mà còn phát triển hơn. Đó là nhờ chúng ta đã xác định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bứt phá của ngành gỗ" - ông Lập nói.

Theo ông Lập, sản phẩm chiến lược của ngành gỗ giai đoạn này là tủ bếp, tủ nhà tắm. Qua số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm xuất khẩu đạt trên gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ. Thị trường chiến lược của mặt hàng này chính là Mỹ với thị phần xuất khẩu lên tới 90%.

Do đó, để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam, ông Lập tiết lộ ngay trong tháng 11, Hiệp hội gỗ Việt Nam sẽ tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí.

Mục đích để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, tạo ra mạng lưới rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, trong những tháng đầu năm ngành gỗ đã trải qua nhiều sóng gió nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm vẫn đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của toàn ngành cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ.

Nhìn lại mục tiêu 7,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2020, hiện, ngành đã vượt xa. Ông Tuấn cho rằng đây là cơ hội để ngành đánh giá, xây dựng chiến lược cũng như thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra đến 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt con số 20 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ, xem xét những vấn đề về cơ chế chính sách và hài hòa hóa các quy định và thông lệ quốc tế để ngành gỗ phát triển bền vững hơn.

Đang mất cân bằng vĩ mô

Tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dẫn một báo cáo đáng lưu ý vừa công bố của các Hiệp hội và tổ chức Forest Trends.

Báo cáo cho biết đang có sự mất cân bằng vĩ mô giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu, đặc biệt ở vùng miền Trung và vùng Đông Bắc, nơi có các diện tích rừng trồng rất lớn.

"Báo cáo cho rằng ngành dăm tồn tại và phát triển là sản phẩm trực tiếp của việc mất cân đối vĩ mô này. Do vậy, hạn chế sự phát triển của ngành dăm theo cách hiện nay không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ trồng rừng" - ông Lập lo ngại.

Không chỉ vậy, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhận xét ngành dăm đang có những dấu hiệu không bền vững và để phát triển ngành cần phải thay đổi. Thay đổi cần đi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ gỗ rừng trồng. Nguồn nguyên liệu cho dăm có thể đưa vào chế biến để tạo ra các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, như viên nén, các loại ván…

"Đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ gỗ rừng trồng không những góp phần giảm sự lệ thuộc của ngành dăm vào một loại sản phẩm, vào một thị trường, như thị trường Trung Quốc, góp phần giảm rủi ro cho ngành dăm, và góp phần tạo nên một thị trường cạnh tranh về gỗ rừng trồng nguyên liệu, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các hộ trồng rừng" - ông Lập nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm