Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Hưng (125/40 Đoàn Văn Bơ, phường 13, quận 4, TP.HCM) cho biết: “Năm 1975, do gia cảnh khó khăn, gia đình tôi từ Campuchia qua Việt Nam sinh sống. Trong suốt 40 năm qua, tôi đã có vợ, con và nhà cửa ổn định nhưng mọi giấy tờ đều không còn. Đã nhiều lần tôi đến địa phương để hỏi thủ tục nhập quốc tịch nhưng nơi thì chỉ tôi làm đơn, nơi thì bảo tôi phải về Campuchia xác nhận đã từng ở đó. Tôi cũng mấy lần về Campuchia nhưng mọi người không ai còn sống nên tôi đành thất vọng quay trở về…”.
Sẽ sớm hoàn thành hồ sơ
Cũng theo ông Hưng, vừa qua ông tình cờ gặp một người bạn cùng sang Việt Nam với ông thời xưa. Hỏi ra thì anh này đã được nhập quốc tịch, thủ tục không có gì phức tạp. Nghe hướng dẫn, ông liên hệ Sở Tư pháp TP.HCM để làm hồ sơ.
“Tôi hoàn tất giấy tờ từ lâu rồi nhưng đến giờ vẫn chưa thấy kết quả. Năm nay tôi đã gần 80 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu dần, đồng nghĩa với việc thường xuyên phải vào bệnh viện. Mấy năm trước phường có giải quyết cho tôi mua bảo hiểm y tế nhưng năm nay phường bảo tôi không phải công dân Việt Nam nên không thể tiếp tục bán bảo hiểm. Tôi buồn vô cùng. Tôi mong cơ quan chức năng sớm cho tôi nhập quốc tịch để không bị gặp khó nữa…” - ông Hưng tâm sự.
Ông Trần Văn Hưng mong muốn được nhập quốc tịch để sớm thành công dân Việt Nam. Ảnh: NH
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết do thời gian trước ông Hưng không được hướng dẫn rõ nên cứ phải chạy ngược chạy xuôi, không đến đúng nơi để được giải quyết. Hiện Sở đã nhận hồ sơ và đang liên hệ với Công an TP.HCM để xác minh nhân thân của ông. Sở sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục tiếp theo để ông Hưng sớm được nhập quốc tịch.
Gỡ rối bằng giấy tờ thay thế
Cũng theo phòng Hộ tịch - Quốc tịch, mấy năm qua thành phố đã triển khai có hiệu quả các chương trình nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch, không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định từ 20 năm trở lên. Nhìn chung, vướng mắc lớn là do người dân không nắm quy định nên không đến đúng nơi để được xem xét, đó là Sở Tư pháp TP.HCM. Ngoài ra, trong quá trình xử lý, phòng thấy người dân thiếu một số giấy tờ nhưng ngại bổ sung hoặc không dùng các giấy tờ khác để thay thế.
Phòng hướng dẫn như sau: Hồ sơ nhập quốc tịch gồm có bảy loại giấy tờ: Thứ nhất, đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam. Thứ hai, bản khai lý lịch, theo mẫu. Thứ ba, bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế, nếu người dân nào không có thì có thể viết bản tường trình. Thứ tư, phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cấp. Thứ năm, trong trường hợp người xin nhập quốc tịch khai báo bằng tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam nhưng không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt thì Sở sẽ tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ tiếng Việt. Thứ sáu, bản sao thẻ thường trú, có xác nhận ở Việt Nam năm năm trở lên.
Cuối cùng là giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch như giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, giấy xác nhận mức lương, giấy xác nhận của UBND xã, phường nơi thường trú của người xin nhập quốc tịch về khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình người nhập quốc tịch Việt Nam cung cấp những giấy tờ ở khoản này là hơi khó. Vì thế những giấy tờ trên có thể được thay thế bằng bản tường trình và đến xã, phường xác nhận chữ ký của người viết.
Chậm nhập quốc tịch vì không rõ thủ tục Hai chị em bà Hà Su Kiên (70 tuổi) và bà Hà Su Húa (ở 280/126 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM, vốn là người Hoa) sống ở Việt Nam đã trên 20 năm nhưng chưa thể nhập quốc tịch vì không biết gửi hồ sơ đến đâu để được giải quyết. “Mong mỏi của hai chúng tôi là có một cơ quan nào hướng dẫn chị em được nhập quốc tịch Việt Nam để được nhập hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân, rồi sau này chúng tôi cao tuổi thì được địa phương quan tâm” - bà Hà Su Húa nói. Hai chị em bà Hà Su Kiên. Ảnh: NH Chúng tôi đã đặt vấn đề này với phòng Hộ tịch - Quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), nơi đây cho biết sẽ hỗ trợ người dân làm hồ sơ nhập quốc tịch. Thời gian qua Sở không biết trường hợp này là do người dân chưa lần nào gửi hồ sơ đến Sở. |