Góp phần gỡ vướng nhiều vụ án hành chính

Tháng 5-2012, UBND quận 2 (TP.HCM) đã ra quyết định thu hồi hơn 330 m2 đất của bà Nguyễn Thị Ghi để thực hiện một dự án nhà ở. Kèm theo đó là quyết định bồi thường cho bà Ghi theo đơn giá đất nông nghiệp và hỗ trợ 50% đơn giá theo đơn giá đất ở trung bình khu vực có dự án. 

Bà Nguyễn Thị Ghi, người bị UBND quận 2 chần chừ trong việc THA hành chính trước đây. Ảnh: T.TÙNG

Giúp bạn đọc được thi hành án

Cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ trên quá thấp, bà Ghi khiếu nại nhưng bị bác đơn. Năm 2013, bà khởi kiện yêu cầu TAND quận 2 hủy hai quyết định bồi thường và thu hồi đất của UBND quận. Tháng 7-2015, TAND quận 2 xử sơ thẩm, tuyên bác toàn bộ yêu cầu của bà Ghi. Cuối năm 2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên hủy một phần quyết định về việc bồi thường, hỗ trợ, buộc UBND quận 2 phải tính lại giá trị hỗ trợ với phần đất bị thu hồi theo quy định cho bà Ghi…

Đầu năm 2016, bà Ghi yêu cầu UBND quận 2 thi hành án (THA) theo bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, UBND quận có văn bản trả lời rằng tòa phúc thẩm xử chưa đúng nên ủy ban đã có công văn đề nghị chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, trong thời gian chờ xem xét, ủy ban tạm ngưng thi hành bản án trên…

Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về vụ việc này vì theo quy định hiện hành, ủy ban không thể lấy lý do đang chờ người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm để tạm ngưng thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật như trên. Đến nay UBND quận 2 đã chủ động THA cho bà Ghi.

Không chỉ riêng bà Ghi, những năm qua Pháp Luật TP.HCM cũng đã phản ánh rất nhiều vụ việc tương tự. Sau khi bị tòa xử thua kiện, các cơ quan nhà nước thường viện cớ đang đề nghị giám đốc thẩm để không thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Để khắc phục tồn tại trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2016 (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016). Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở THA hành chính có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu hình sự, bồi thường thiệt hại…

Giải quyết án nhanh chóng, thông suốt, khách quan

Quá trình phản ánh những khiếu kiện hành chính, Pháp Luật TP.HCM còn phát hiện nhiều quy định bất cập khiến quá trình giải quyết của tòa án gặp nhiều khó khăn. Báo đã có nhiều bài nêu lên thực trạng, giới thiệu ý kiến chuyên gia phân tích, kiến giải, đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thời gian góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính 2010.

Trong đó, đáng chú ý là thực trạng hầu hết người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước khi bị kiện thường ủy quyền cho cấp dưới ra tòa. Những cán bộ cấp dưới này không có quyền quyết định về vụ việc, chỉ đến tòa nghe, ghi nhận rồi về báo cáo lại, làm chậm tiến độ giải quyết án. Việc đối thoại giữa các bên, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa cũng không hiệu quả.

Mặt khác, quy định thẩm quyền xét xử của tòa án theo địa hạt hành chính đã vô tình khiến việc giải quyết vụ án hành chính không khách quan bởi thẩm phán và tòa cấp sơ thẩm chịu nhiều áp lực từ quan chức địa phương. Có một thực tế là ở cấp sơ thẩm, người dân thường thua kiện nhưng lên cấp phúc thẩm lại thắng.

Các phản ánh, góp ý của báo đã được ghi nhận bằng những sửa đổi rất cụ thể trong Luật Tố tụng hành chính 2015.

Theo khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. Cạnh đó, khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: Các vụ án hành chính mà người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND cấp huyện sẽ do TAND cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Các quy định mới này rất hợp lý và tiến bộ để đảm bảo việc giải quyết án hành chính được thông suốt, nhanh chóng, khách quan và chuẩn xác hơn.

Sáu hình thức xử lý kỷ luật cán bộ không thi hành án hành chính

Theo Nghị định 71/2016 của Chính phủ, có sáu hình thức xử lý kỷ luật cán bộ không thi hành bản án hành chính, quyết định hành chính của tòa gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Trong đó, cách chức áp dụng với lãnh đạo, quản lý không chấp hành hoặc làm không đúng, không đủ nội dung bản án và gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc THA. Buộc thôi việc áp dụng đối với cán bộ, công chức nếu sau khi có quyết định buộc THA hành chính mà không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị phạt tù mà không được hưởng án treo về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc THA. Ngoài ra còn có hình thức công khai thông tin về việc không chấp hành án trên mạng Internet...

Theo nhiều chuyên gia, đây không chỉ là sự bổ khuyết quy định kịp thời mà còn là bước tiến lớn trong quá trình đảm bảo quyền của người được THA hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới