Bộ KH&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý gửi Sở KH&ĐT các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Đây là vấn đề Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh bởi trước đó có tranh cãi giữa hai cơ quan là Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT trong quản lý ngành nghề đại diện, tư vấn, dịch vụ pháp lý. Sau đó cả hai bộ này đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan điểm của mình để chờ được “gút”.
Sở KH&ĐT không đăng ký bốn ngành nghề
Theo văn bản, Bộ KH&ĐT thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại thông báo ngày 19-10-2019 của Văn phòng Chính phủ.
Sau đó, Bộ KH&ĐT cũng trao đổi với Bộ Tư pháp nhằm thực hiện quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời đảm bảo quyền tự do kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp (DN), bộ đề nghị Sở KH&ĐT các tỉnh, thành trực thuộc trung ương triển khai một số nội dung.
Thứ nhất, đối với ngành nghề kinh doanh tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng. DN kinh doanh ngành nghề hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật (mã ngành 69101 theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) gồm “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư.
Vì thế, Sở KH&ĐT cấp tỉnh không thực hiện thủ tục đăng ký DN đối với mã ngành này theo quy định của Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trường hợp DN đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội. Sở KH&ĐT cấp tỉnh không thực hiện thủ tục đăng ký DN đối với mã ngành này theo quy định của Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các bài báo từng phản ánh.
Đã đăng ký thì hướng dẫn làm lại
Nếu DN đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn và dịch vụ khác mà ngành nghề kinh doanh không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì thực hiện thủ tục đăng ký DN theo Luật DN và các văn bản hướng dẫn. Chẳng hạn như ngành nghề: Tư vấn tài chính, tư vấn thuế, tư vấn đăng ký DN, tư vấn du học, dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài…
Đối với các DN đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký DN ngành nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”, “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng”, theo Luật DN thì đăng ký lại.
Theo đó, các DN này phải thực hiện việc đăng ký lại tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội, bởi lĩnh vực kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư.
Cũng theo văn bản, các sở KH&ĐT chủ động thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan và hướng dẫn DN, người thành lập DN thực hiện. Nếu quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc thì đề nghị các sở KH&ĐT kịp thời đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết.
Tranh cãi từ việc công ty bất động sản được tư vấn pháp luật Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tranh cãi gay gắt xảy ra khi Bộ KH&ĐT cho rằng Luật Luật sư không quy định cứng là chỉ luật sư mới được tư vấn pháp luật, còn Bộ Tư pháp thì cho rằng hướng dẫn của Bộ KH&ĐT là sai. Sự việc xuất phát từ việc tháng 3-2019, Sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp đăng ký kinh doanh cho một công ty tư vấn bất động sản, trong đó có ngành nghề “tư vấn pháp luật”. Căn cứ là Quyết định 337/2007 của bộ trưởng Bộ KH&ĐT (về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam). Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng chỉ có nghề công chứng, chứng thực là kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng. Còn hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật thì được tự do kinh doanh, từ đó công ty này được cho phép tư vấn pháp luật… Trong thời gian chờ có hướng dẫn chính thức từ cơ quan có thẩm quyền thì tháng 10-2019, Sở KH&ĐT TP.HCM đã tạm ngừng giải quyết hồ sơ bổ sung ngành nghề hoạt động đại diện tư vấn pháp luật (không theo hình thức hành nghề luật sư) cho đến nay. |