Tại buổi họp báo Bộ Tư pháp vào chiều 8-11, vấn đề đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn, dịch vụ pháp lý mà Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp từng có quan điểm trái chiều đã được đề cập.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, thống nhất hướng dẫn
Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có kết luận về việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn, dịch vụ pháp lý mà Bộ KH&ĐT thời gian qua hướng dẫn khác so với cách đã thống nhất nhiều năm nay với Bộ Tư pháp.
Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý kinh doanh dịch vụ pháp lý là loại hình kinh doanh đặc thù, có tác động đến sự ổn định của xã hội, tình hình trật tự, an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ.
Với tinh thần như vậy, việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Đầu tư, Luật Luật sư (LS) và Nghị quyết 65 của Quốc hội ban hành năm 2006 về thi hành Luật LS.
Cũng theo thông tin tại buổi họp báo Bộ Tư pháp chiều 8-11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu không quy định việc đăng ký kinh doanh những ngành, nghề luật này cùng lúc qua hai hệ thống đăng ký khác nhau về trình tự, thủ tục và hệ quả pháp lý.
Để dứt điểm cuộc tranh cãi giữa hai bộ, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, trao đổi, thống nhất với Bộ KH&ĐT, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất một trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh ngành, nghề hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.
Tranh cãi giữa hai bộ cùng giới LS, VCCI
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, cuộc tranh cãi này xuất phát từ Công văn 1736 của Bộ KH&ĐT gửi Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3-2017 để hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh nhóm ngành, nghề hoạt động pháp luật cho Công ty Thuận Thiên.
Theo đó, công ty có thể đăng ký kinh doanh hoạt động pháp luật qua hệ thống đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT. Hướng dẫn như vậy là xung đột với thông lệ từ khi có Luật LS 2006 cùng các văn bản liên quan. Theo đó, các ngành nghề này phải đăng ký tại Sở Tư pháp với một số điều kiện chặt chẽ, dưới hình thức tổ chức hành nghề LS. Việc này giữa năm nay mới bị đưa lên mạng xã hội và gặp phải phản ứng từ giới LS.
Đoàn LS TP.HCM, Liên đoàn LS Việt Nam đã có văn bản phản biện gửi Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT cũng như lãnh đạo Chính phủ. Bộ KH&ĐT đã mời Bộ Tư pháp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tính chất đại diện cho cộng đồng kinh doanh, để thảo luận. Tuy nhiên, đôi bên không thống nhất được quan điểm nên phải báo cáo Thủ tướng phân xử.
Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng tiến hành kiểm tra và kết luận Công văn 1736 của Bộ KH&ĐT có một số nội dung không hợp lý và trái luật…
Sự việc cũng dẫn tới tranh luận về quyền tự do kinh doanh, tự do đăng ký ngành, nghề kinh doanh với việc quản lý nhà nước trong một số ngành, nghề dịch vụ đặc biệt mà theo nội luật cũng như thông lệ chung quốc tế phải có những điều kiện chuyên môn nhất định.