Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ra Công văn 4750, ngày 23-7, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành để tháo gỡ những vướng mắc trong việc đăng ký kinh doanh một số ngành nghề mà nội dung thuộc về Luật Luật sư.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” (mã ngành 69101 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam), bao gồm hoạt động “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng”, cũng như các ngành nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc các Sở Kế hoạch và Đầu tư phải từ chối đăng ký.
Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rõ việc đăng ký các ngành nghề này được thực hiện tại Sở Tư pháp theo Luật Luật sư và Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội về thi hành Luật Luật sư.
Cũng là hoạt động tư vấn và dịch vụ nhưng không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” – chẳng hạn như tư vấn tài chính, tư vấn thuế, tư vấn du học, dịch vụ xin visa, dịch vụ xin giấy phép lao động… thì cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và các hướng dẫn có liên quan.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý các doanh nghiệp trước đây đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo thủ tục Luật Doanh nghiệp, về các ngành, nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”, “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng” thì phải thực hiện đăng ký lại, tại Sở Tư pháp địa phương, và đáp ứng các điều kiện theo các quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội.
Nguồn cơn tranh cãi là Công văn 1736. Chỉ là văn bản gửi Hà Tĩnh, nhưng hướng dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn tới buông lỏng quản lý nhà nước với các nghề dịch vụ pháp lý, vốn đòi hỏi điều kiện gia nhập thị trường khá gắt gao.
Các nội dung nêu trên giúp sửa sai Công văn 1736, cũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, tháng 3-2017.
Đây chính là văn bản đã khuấy lên tranh cãi về việc kinh doanh nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý… có được tự do, thoải mái theo Luật Doanh nghiệp, hay là ngành kinh doanh có điều kiện, phải quản lý theo Luật Luật sư mà PLO đã đề cập.
Tranh luận nổ ra giữa hai Bộ Tư pháp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tư pháp phải sử dụng công cụ kiểm tra văn bản, kết luận Công văn 1736 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không phù hợp Luật Luật sư, Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội, và còn không đúng thẩm quyền theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cuồi cùng, hai bộ đã báo cáo lên lãnh đạo Chính phủ, và tháng 10-2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc làm việc. Kết luận của Phó Thủ tướng sau đó xác định quan điểm của Bộ Tư pháp là đúng. Nhưng hai bộ vẫn phải tiếp tục làm việc nhiều lần, thống nhất giải pháp, để đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ra công văn sửa sai.
Tin từ Bộ Tư pháp cho biết khi tranh cãi nổ ra giữa hai bộ về Công văn 1736 và báo chí đưa tin, phân tích, mổ xẻ, dường như cơ quan đăng ký kinh doanh các địa phương đã thận trọng hơn trước các yêu cầu đăng ký kinh doanh ngành nghề mà có dính dáng tới Luật Luật sư. Vậy nên, số doanh nghiệp “lọt lưới” do Công văn 1736 có thể không nhiều.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động các ngành nghề này từ trước đó, thậm chí từ trước khi Luật Luật sư 2006 được ban hành, và chưa đáp ứng các điều kiện luật định. Vì vậy, Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 65, yêu cầu Chính phủ rà soát để quản lý theo Luật Luật sư với các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề mà Luật này điều chỉnh.
Thực tế từ khi Luật Luật sư 2006 có hiệu lực đến nay, chưa có cuộc rà soát nào được thực hiện bài bản. Vì vậy, sau Công văn 4750, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với Bộ Tư pháp để thực hiện công việc này.