Sáng nay 29-3, HĐND Hà Nội họp chuyên đề, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung đáng chú ý trong quy hoạch này là 14 tuyến đường sắt đô thị.
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải cho biết trong 14 tuyến metro này, thành phố ưu tiên đầu tư, hoàn thiện các tuyến vành đai và ga đầu mối, cùng 2 tuyến kết nối trung tâm thành phố với các đô thị phía Bắc (Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh) và với các đô thị phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Hà Nội cũng định hướng xây dựng mạng lưới metro tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế giao thông cá nhân.
Cùng với đó là các tuyến kết nối với trung tâm đô thị trong vùng và huyện ngoại thành. Các tuyến metro hướng tâm này phần nằm trong Vành đai 3,5 sẽ đi ngầm.
Ngoài hình thức đường sắt đô thị như đã và đang triển khai, chính quyền thủ đô cũng định hướng xây dựng đường sắt 1 ray trên cao chạy ven hai bờ sông Hồng. Tuyến monorail này sẽ kết nối với các điểm du lịch, cảnh quan cũng như khu vực phố cổ.
Hà Nội xác định 14 tuyến metro cũng như monorail sẽ trở thành chủ lực trong vận tải hành khách công cộng, giải quyết vấn đề ùn tắc, làm thay đổi diện mạo đô thị, văn hóa giao thông.
Ngoài ra, Hà Nội cũng chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Hướng tuyến của 14 metro của Hà Nội
1. Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo;
2. Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Xuân Mai
2A. Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai;
3. Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn;
4. Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà;
5. Văn Cao - Hòa Lạc;
6. Nội Bài - Mai Dịch;
7. Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi;
8. Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá;
9. Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2;
10. Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá;
11. Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4;
12. Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai;
13. Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân