Sáng 13-1, TAND tỉnh Bình Phước đã đưa ra xử phúc thẩm (lần hai) vụ án cố ý gây thương tích do có kháng cáo của hai bị cáo Ngô Văn Huynh và Nguyễn Thị Tâm. Phiên tòa đã phải hoãn do người bị hại và luật sư bảo vệ cho người bị hại vắng mặt không lý do dù đã được tòa triệu tập hợp lệ. Luật sư của bị cáo đã yêu cầu thư ký tòa án gọi điện thoại cho người bị hại và luật sư của người bị hại nhưng nghe tín hiệu không liên lạc được.
Cha mẹ bị bắt giam, trẻ 10 tuổi bơ vơ
Hai bị cáo bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS với cáo buộc đã dùng cây đánh anh Nguyễn Bá Tuyên gây chấn thương, còn anh Tuyên không có sự chống trả. Theo cáo buộc, sáng sớm 16-2-2013, anh Tuyên vào thăm vườn điều (thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng) thì phát hiện bà Tâm đang nhặt điều trên đất của mình. Anh Tuyên giữ tay bà Tâm lại thì bà Tâm la lên. Chồng bà là ông Huynh nghe vợ kêu nên cầm một khúc tre đến đánh anh Tuyên trúng vùng đầu làm anh ngã ngửa. Anh Tuyên đưa tay lên đỡ thì bị bà Tâm dùng cây cao su đánh trúng ngón tay út. Kết quả là anh Tuyên bị nứt sọ trán trái, sưng nề thái dương trái, gãy một đốt ngón tay, tỉ lệ thương tật 43% tạm thời.
Sau đó, ông Huynh và bà Tâm bị bắt tạm giam. Cô con gái duy nhất của họ là Ngô Thị Cẩm Hiếu (khi đó mới 10 tuổi) không người thân chăm sóc, phải nương nhờ xóm giềng cho ăn ngủ qua ngày qua tháng rồi về Đồng Nai để tiếp tục được học hành. Cũng may là hiện ông Huynh đã được tại ngoại để chăm sóc con gái (ông Huynh và bà Tâm chưa từng có tiền án, tiền sự, chỗ ở và nghề nghiệp rõ ràng, ông Huynh có cha là liệt sĩ, mẹ là người có công với cách mạng).
Suốt quá trình tố tụng, bà Tâm liên tục kêu oan rằng mình có đánh nhưng thương tích gây ra cho người bị hại chưa đến mức xử lý hình sự, đồng thời chính bà cũng là người bị đánh.
Xử sơ thẩm lần một, TAND huyện Bù Đăng đã phạt ông Huynh và bà Tâm mỗi người năm năm sáu tháng tù. Bà Tâm kháng cáo kêu oan, còn ông Huynh kháng cáo xin giảm nhẹ.
Ngô Văn Huynh (thứ hai từ phải) và các luật sư bào chữa miễn phí cho vợ chồng ông. Ảnh: PHƯƠNG LOAN.
Điều tra chưa đầy đủ
Tháng 10-2014, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Cụ thể: Ông Huynh, bà Tâm và bé Hiếu đều có giấy chứng y thể hiện có thương tích. Thu giữ được một cây gỗ có dính máu tại hiện trường. Hồ sơ thể hiện cả hai phía đều có cầm cây và người bị hại Tuyên là người cầm khúc cây gỗ đánh bà Tâm. Điều này thể hiện giữa gia đình bị cáo và người bị hại có sự đánh nhau qua lại. Thế nhưng kết luận điều tra và cáo trạng chỉ quy kết một phía. Đồng thời hồ sơ lại không thể hiện có sự chứng kiến của bé Hiếu.
Mặt khác, có dấu vết máu tại hiện trường nhưng chưa làm rõ máu trên cây gỗ và máu ở hiện trường là của ai để từ đó xác định phía bị cáo có bị thương tích không, nếu có thì do ai gây ra để có căn cứ xác định lỗi của mỗi bên… Ngoài ra, các lời khai trong vụ án cho thấy ông Tư (có rẫy bên cạnh rẫy ông Tuyên) có thể biết sự việc nhưng lại không được mời làm việc, lấy lời khai.
Về tố tụng, CQĐT đã vi phạm nghiêm trọng ở chỗ hồ sơ thể hiện có hai quyết định khởi tố bị can đối với bà Tâm có cùng số nhưng khác ngày tháng ban hành, tuy nhiên lại không có quyết định hủy bỏ.
Như vậy, quá trình điều tra, CQĐT chưa điều tra đầy đủ, đã làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.
Phạm tội khi bị kích động mạnh
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, bà Tâm trình bày: “Sáng 16-2-2013, tôi đang ở sau nhà, mở chuồng cho gà ra ngoài. Con gái tôi đang học bài, còn chồng tôi đang nấu ăn. Tôi thấy ông Tuyên cầm một đoạn cây có sợi dây quàng cổ, đầu đội nón cối xanh đi đến gần. Rồi tự nhiên ông lao vào đánh đấm. Rồi ông bịt miệng không cho tôi la, kéo qua rẫy gần đó. Tôi la lên bé Hiếu ơi, cứu mẹ”.
Bé Hiếu lần đầu tiên được tòa triệu tập tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng khai rằng: “Con nghe và nhào tới giằng lấy cây trên tay ông Tuyên. Ông Tuyên bỏ tay mẹ ra và đuổi theo đánh vào đầu nhưng con đưa tay đỡ và bị thương ở mu bàn tay”…
Theo bà Tâm, sau đó bà cầm cây chọi vào người ông Tuyên; ông Tuyên cầm cây lao đến đánh. Do bé Hiếu kêu cha nhiều lần nên ông Huynh chạy ra, trên đường đi ông nhặt một khúc tre và giải cứu vợ con… Bà Tâm cũng khai rằng khi thực nghiệm hiện trường, chỉ mình bà có mặt cùng công an.
Các luật sư đã chỉ ra những vấn đề chưa ổn trong các cáo buộc đối với hai bị cáo. Đó là ông Huynh phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với lỗi vô ý do nghe vợ con kêu cứu vào buổi sáng sớm. Trên đường đi ông mới nhặt khúc cây tre đem theo, mục đích chỉ để đánh giải cứu vợ con. Sau khi ẩu đả, gia đình bị cáo có gọi công an và thực tế là công an có đến lập biên bản. Đặc biệt, hung khí được cho là ông Huynh dùng để đánh thì lại không được tìm thấy tại hiện trường.
Ngoài ra, các luật sư cho rằng người bị hại cũng có hành vi đánh gây thương tích cho bị cáo nhưng không được làm rõ, cáo buộc bà Tâm nhặt trộm điều nhưng không có gì chứng minh (không có cái xô nào và cũng không có hạt điều nào tại hiện trường). Luật sư đề nghị xem xét về tội danh đối với hai bị cáo, lưu ý tình tiết tinh thần kích động mạnh của ông Huynh khi vợ con kêu cứu và vết thương do bà Tâm gây ra cho người bị hại chỉ 2% nên không đến mức xử lý hình sự.
Tuy nhiên, TAND huyện Bù Đăng đã phạt ông Huynh bốn năm tù, bà Tâm ba năm tù (giảm so với án sơ thẩm lần một) về tội cố ý gây thương tích.
Thương tật do tai nạn lại cộng dồn để quy tội Một tình tiết đặc biệt là BV Chợ Rẫy xác định người bị hại Tuyên có một vết thương là nứt sọ đầu. Chụp CT tại BV Bình Phước hai tháng sau cũng chỉ một vết thương là nứt sọ đầu. Tuy nhiên, hai năm sau, trong hồ sơ nhập viện của người bị hại tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM lại có thêm vết thương mới. Và vết thương mới này lại xuất hiện trong kết quả giám định mới vào tháng 2-2015 (tỉ lệ 43% theo nguyên tắc cộng lùi, có thêm vết thương mới). Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, người bị hại cũng thừa nhận khi phụ xây nhà cho em trai đã bị cây rơi trúng. Do đó, luật sư đề nghị tòa xem xét lại, loại bỏ vết thương mới này ra thì người bị hại chỉ còn thương tật 25%. |