Hai em bé song sinh dính nhau phần gan khá phức tạp

TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết như trên vào ngày 22-8. Theo TS Định, bệnh viện vừa tiếp nhận hai bệnh nhi song sinh dính nhau nặng 3,4 kg, con của sản phụ Nguyễn Thị Loan (23 tuổi, Hà Tĩnh) được chuyển viện từ BV Từ Dũ vào ngày 11-8. Hiện hai bé bú sữa bình thường, sức khỏe khá tốt. Đây là trường hợp song thai dính thứ ba nhập BV Nhi đồng 2 từ năm 2005 đến nay, một cặp đã tử vong.

Đây là hai bé gái, dính nhau phần ngực và bụng. Mỗi bé có phần đầu, mặt, hai tay, hai chân, cơ quan sinh dục ngoài, hậu môn riêng biệt và phát triển bình thường. Kết quả chẩn đoán hình ảnh ban đầu cho thấy mỗi bé có một cột sống, trong đó một bé bị vẹo cột sống khá nặng. Hai bé dính nhau phức tạp ở phần gan, mỏm tim, các mạch máu lớn gần tim tách biệt nhau. Riêng một bé có nghi ngờ bị hẹp eo động mạch chủ. “Chúng tôi sẽ tiến hành chụp CT đại tràng, chụp dạ dày cản quang và chụp mạch máu để khảo sát kỹ, cần thiết làm tiếp thông tim chẩn đoán để xem tim có dính nhau hay không. Hai bé được nuôi 4-6 tuần nữa sẽ tiến hành tách rời nhau” - TS Định nói.

Hai em bé song sinh dính nhau phần gan khá phức tạp ảnh 1

TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, đang xem tình hình sức khỏe hai bé sáng 22-8. Ảnh: TÙNG SƠN

Cũng theo TS Định, những ca dính nhau ở ngực thì điều lo lắng nhất là dính gan và tim, vì khi mổ sẽ mất máu rất nhiều nhưng quan trọng nhất là sự sống còn của hai trẻ. Nếu gan dính nhau, khi mổ làm sao giữ lại thể tích mô gan đủ để hai trẻ sống được. Mặt khác, nếu hai bé chỉ có một đường mật thì phải tạo hình thêm đường mật nữa. Nếu dính nhau ở ruột, khi mổ phải bảo toàn những mạch máu nuôi ruột của cả hai bé. Nếu có một bộ phận sinh dục thì phải hy sinh cho một bé…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, sản phụ Loan cho biết khi mang thai, chị đã đi siêu âm nhưng bác sĩ một phòng mạch tư ở Bình Dương không phát hiện ra song thai có dị tật. Đến tháng thứ ba chị siêu âm ở một bác sĩ tư khác thì mới biết song thai dính nhau. Từ lúc đó tinh thần chị hoảng loạn, suy sụp và được giới thiệu đến BV Từ Dũ để khám, tư vấn. Tại đây, các bác sĩ cho biết con chị sẽ được mổ tách rời, cứu được nên chị chọn phương án giữ lại vì đây là con đầu lòng.

Theo bác sĩ chuyên khoa siêu âm, những cặp song thai dính nhau thường đến tuần thứ 8-9 là có thể phát hiện ra. Lúc đó bác sĩ sẽ tư vấn để sản phụ lựa chọn giữ hay bỏ, phần lớn sản phụ lựa chọn phương án bỏ. “Khi phát hiện trẻ dính nhau hay có biểu hiện phức tạp ngoài khả năng chuyên môn, các bác sĩ tuyến dưới cần báo yêu cầu hội chẩn với tuyến trên hoặc giới thiệu lên tuyến kỹ thuật cao hơn để xác định phương pháp điều trị thích hợp, đây là nguyên tắc” - BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, cho biết.

Tại BV Nhi đồng 2, sản phụ và hai bé được đặc cách cho ở riêng một phòng trực của bác sĩ. Toàn bộ chi phí thuốc men, phẫu thuật sẽ được bệnh viện lo. Sản phụ cho biết hai vợ chồng làm công nhân ở Bình Dương, hoàn cảnh rất khó khăn.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm