Hải quân Mỹ phô diễn hàng loạt mẫu tàu chiến có hình dạng "kỳ dị"

Hải quân Mỹ phô diễn hàng loạt mẫu tàu chiến có hình dạng "kỳ dị" ảnh 1Tàu USNS Fall River (JHSV 4) (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Theo Business Insider, cụ thể USNS Montford Point là một trong 2 mẫu tàu “dị” này, đã được đưa vào trang bị của Bộ tư lệnh Vận tải Hải quân (MSC) trong tháng trước. Theo sĩ quan Brian Tague của MSC, con tàu còn được quân đội gọi là Nền tảng đổ bộ di động (MLP).

Tàu được trang bị một hệ thống cầu, có thể giúp nó kết nối với nhiều loại tàu vận tải khác, vốn cần một bến cảng bình thường để chuyển hàng xuống. Tàu cũng có thể tự nhấn chìm một phần thân và trở thành “bãi biển” lý tưởng cho các tàu đổ bộ như tàu đệm khí.

Về cơ bản, MLP cho phép các tàu vận tải cỡ lớn có thể đổ hàng xuống, tại khu vực cách bờ hàng trăm, ngàn cây số, thay vì phải dựa vào một bến cảng hoặc cơ sở hạ tầng cố định nào khác.

Khả năng thay đổi cách thức và thời điểm đưa một lực lượng quân sự từ biển lên bờ có thể mang tới những lợi thế lớn. Đại dương khiến người ta dễ dàng vận chuyển một lượng lớn nhân lực, trang thiết bị vũ khí đi qua khoảng cách dài, trong một thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên đưa hàng hóa từ biển lên bờ lại là một vấn đề lớn, thường gây ra tình trạng “nghẽn cổ chai”. Để xử lý vấn đề này, người ta thường phải xây các cơ sở hạ tầng cố định, có thể gây tốn kém hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la, nhưng dễ bị tổn thương trước cuộc tấn công của đối phương.

Giải pháp khác là sử dụng các tàu đặc biệt như MLP. Tàu USNS Montford Point và các tàu MLP khác trong tương lai sẽ giúp giảm tình trạng nghẽn cổ chai, bằng cách vừa đóng vai trò cầu tàu, vừa là một tàu đổ bộ đặc biệt.

Con tàu đáng chú ý khác góp mặt trong CK 15 là USNS Millinocket. Đây là tàu thứ 3 trong dự án Tàu chiến đấu liên hợp cao tốc (JSHV) của Mỹ.

Hải quân Mỹ phô diễn hàng loạt mẫu tàu chiến có hình dạng "kỳ dị" ảnh 2Tàu USNS Montford Point (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Millinocket và các tàu JHSV khác có thiết kế rất giống với những con phà cao tốc, thường được dùng để chở người và xe cộ qua lại giữa nhiều hòn đảo ở Hawaii, nơi CK 15 diễn ra.

Cần biết rằng tăng cường tối đa khả năng chở hàng, trong khi vẫn đảm bảo tốc độ cao, là nhiệm vụ rất khó khăn. Nguyên nhân do các con tàu to nặng thường không thể có sự nhanh nhẹn cần thiết.

"Các con tàu đó được chế tạo để có tốc độ cao” – Tague nói – “Trang thiết bị và linh kiện trên tàu được lắp đặt và kiểm tra kỹ, bởi mỗi kg trọng lượng đều có thể ảnh hưởng tới công suất. Người ta còn không sơn vỏ tàu chỉ để giảm bớt trọng lượng.”

Con tàu có 4 động cơ V-20 cỡ lớn thuộc loại tăng áp, bên cạnh nhiều yếu tố khác khiến nó đi nhanh. Khi động cơ chạy tải thấp, tàu di chuyển với tốc độ 25km/h. Khi chạy hết tốc, tàu có tốc độ hơn 74km/h. Tàu có thể chở theo 600 tấn hàng và 312 người lính thủy đánh bộ. Về cơ bản, nó có thể mang theo một đại đội xe bọc thép nhẹ.

Nếu để ý, bạn có thể thấy rằng cả 2 loại tàu mới này đều có dòng chữ USNS ở đầu, thay vì USS. USNS có nghĩa United States Naval Ship (Tàu Hải quân Mỹ). Dòng chữ này gắn trên các tàu do Hải quân sở hữu, nhưng nằm dưới sự điều hành của MSC.

Các tàu MSC, đôi khi còn được gọi là tàu đáy màu đen, là những tàu không tham gia chiến đấu, do thủy thủ đoàn dân sự điều hành. Trong khi đó các tàu USS do Hải quân Mỹ sở hữu, điều hành và cho người điều khiển. Các tàu này, đôi khi được gọi là tàu vỏ xám, gần như đều là tàu trực tiếp tham gia chiến đấu.

Các tàu của MSC thường đóng vai trò hậu cần, giúp những tàu chiến khác của Hải quân Mỹ trở thành “siêu sao” trên chiến trường. Các ngôi sao ấy thường lệ thuộc vào đội hậu cần, nhưng lại hiếm khi chia sẻ ánh hào quang.

Nhưng nay, với sự xuất hiện của USNS Montford Point và USNS Millinocket, câu chuyện có thể rẽ sang hướng khác. Cụ thể, các khả năng đặc biệt khiến chúng sẽ thường xuyên được sử dụng. Vì lý do này, nhiều người sẽ biết tới chúng hơn. Ngoài ra, hình dáng đặc biệt và tính năng khó thay thế cũng sẽ khiến người ta dễ dàng “yêu” chúng.

Hải quân Mỹ phô diễn hàng loạt mẫu tàu chiến có hình dạng "kỳ dị" ảnh 3Tàu đệm khí đáp vào USNS Mongord Point (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Chi tiết nữa khiến MSC sẽ nhận được thêm cảm tình của dư luận là 2 tàu MLP và JHSV có thể tham gia các nhiệm vụ nhân đạo, trợ giúp thảm họa, như trong nhiệm vụ Tomodachi (trợ giúp Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần 2011) và nhiệm vụ Damayan (thảm họa hậu bão Haiyan hồi năm 2013).

Cả 2 thảm họa này đều tạo ra các điều kiện mà các tàu MLP và JHSV có thể xử lý. Cụ thể, một cơn bão lớn, động đất khổng lồ hay sóng thần sẽ tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng. Vì thế, khả năng của MLP, trong việc đưa một lượng lớn hàng và thiết bị lên bờ mà không cần tới bến cảng, sẽ có vai trò rất quan trọng.

Ngoài ra, khả năng của JHSV trong việc vận chuyển hàng trăm tấn hàng, với tốc độ cao, đi qua hàng ngàn cây số, cũng có tác động không nhỏ tới công tác ứng cứu thảm họa.

Bên cạnh đó, cả 2 tàu JHSV và MLP đều có thể mang theo các container chứa vật liệu chế tạo sẵn để nhanh chóng xây nhà ở, cơ sở liên lạc, các phòng hoạt động, điều hành và những thứ quan trọng khác. Như thế, chúng sẽ đóng vai trò các căn cứ chỉ huy di động tuyệt vời, trong tình huống xảy ra kịch bản cứu hộ, cứu nạn.

TheoLINH VŨ (VIETNAM+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm