Chiều 11-12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp khẩn bàn giải pháp cấp bách phòng chống, ứng phó với tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, xâm nhập sớm, sâu ở thượng lưu sông Tiền, đe dọa vùng sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì họp khẩn chống hạn mặn.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, hiện mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015 nên tình trạng khô, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang trong mùa khô 2019-2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng.
Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Tiền sẽ rất cao và tăng dần trong thời gian tới.
Tình hình diễn biến mặn trong những ngày qua diễn biến phức tạp, độ mặn trên sông Tiền tăng đột biến, xâm nhập vào nội đồng nhanh.
Sầu riêng loại trái cây đặc sản ở Tiền Giang.
Theo nhận định của ngành chức năng, tình hình thủy văn khu vực Nam bộ nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng các tháng cuối năm 2019 dự báo bất lợi cho sản xuất và đời sống người dân, nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm, lấn sâu vào nội đồng và kéo dài.
Để đảm bảo ngăn mặn trữ ngọt đủ nước tưới cho gần 59.000 ha lúa đông xuân 2019-2020 và gần 9.500 ha hoa màu ở vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Bảo Định và đảm bảo ngăn mặn bảo vệ trên 80.000 ha vườn cây ăn trái và khóm ở các huyện phía Tây như Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước… tại cuộc họp, ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra các phương án phòng, chống hạn mặn đối với từng vùng.
Vùng trồng vú sữa lò rèn ở Vĩnh Kim (Tiền Giang).
Theo đó, đối với vùng ngọt hóa Gò Công và vùng Bảo Định cần khuyến cáo người dân thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất.
Ngoài ra, các địa phương tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước; tiếp tục giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy các tuyến kênh. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, thông báo lịch vận hành công trình và diễn biến tình hình mực nước, mặn để người dân biết chủ động nguồn nước tưới. Đồng thời đắp đập, đóng các cống ngăn mặn…
Các huyện phía tây nằm ở thượng lưu sông Tiền cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Trong đó, các địa phương chú trọng tuyên truyền, thông tin cập nhật diễn biến xâm nhập mặn và giải pháp ứng phó để nhân dân biết và tích cực đề phòng chủ động sản xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương khẩn trương với công tác phòng, chống hạn, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương phía tây của tỉnh quan tâm đặc biệt công tác bảo vệ vườn cây ăn trái, trong đó quan tâm mua máy đo độ mặn và thường xuyên đo độ mặn từng vùng, kịp thời cảnh báo liên tục tình hình xâm nhập mặn đến với người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh khuyến cáo các địa phương phía đông không nên xuống giống lúa vụ đông-xuân sau ngày 15-12-2019 để phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian sắp tới, chính quyền sẽ vận động nhân dân mua thùng trữ nước ngọt hoặc cấp phát thùng để người dân trữ nước phục vụ cho sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết khi có nhu cầu cấp bách sẽ tiến hành ngay việc khoan cấp tốc các giếng lớn để phục vụ sản xuất và đời sống người dân.