Nhà chức trách Hàn Quốc dự kiến đặt ra ngoài vòng pháp luật việc các công ty sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng trên bao bì đồ uống có cồn nhằm mục đích tiếp thị.
Theo báo The Korea Times, Bộ Y tế và Phúc lợi không muốn mọi người uống vì yếu tố “mát mẻ” liên quan đến sự “chứng thực sản phẩm” của những tên tuổi nổi tiếng.
Hình ảnh người nổi tiếng Hàn Quốc sắp vắng bóng trên bao bì đồ uống có cồn. Ảnh: The Korea Times
Irene – thành viên của nhóm nhạc nữ nổi tiếng Red Velvet, ca sĩ IU và nữ ca sĩ kiêm diễn viên Suzy đã bị các công ty khai thác để tăng doanh số.
“Các nhân vật nổi tiếng như diễn viên hay ca sĩ có ảnh hưởng lớn đến trẻ em và thanh thiếu niên, vì vậy nên tránh in ảnh của họ trên những chai rượu”, tờ báo dẫn lời chính trị gia Nam In-soon nói.
Hàn Quốc hiện là quốc gia thành viên duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho phép các công ty rượu in hình ảnh của những người nổi tiếng trên nhãn rượu.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi chính phủ Hàn Quốc đối mặt với những lời chỉ trích vì thái độ không cương quyết đối với hành vi uống rượu so với hút thuốc. Các gói thuốc lá hiện đi kèm với các cảnh báo về sức khỏe, trong khi rất ít nỗ lực được thực hiện nhằm ngăn chặn sự say mê đối với việc uống rượu.
Chính phủ đã phân bổ gần 138,8 tỉ won (hơn 2.778 tỉ đồng) cho các sáng kiến chống hút thuốc trong năm nay nhưng chỉ dành 1,3 tỉ won cho các chiến dịch không khuyến khích tiêu thụ rượu.
Bộ Y tế Hàn Quốc có một bộ phận chuyên trách các dự án chống hút thuốc, nhưng thiếu một bộ phận tương tự để ngăn chặn uống rượu.
Cả thuốc lá và rượu đều được xếp loại là những tác nhân gây ung thư hàng đầu ở xứ sở kim chi.
Ca sĩ Irene của nhóm nhạc Red Velvet và chai rượu soju Chamisul. Ảnh: The Drinks Business
Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế Hàn Quốc cho thấy 62,1% người trưởng thành đã uống ít nhất một lần mỗi tháng trong năm 2017, tăng từ mức 59,6% vào năm 2008.
Trong cùng thời gian, tỉ lệ uống rượu ở nam giới giảm nhẹ từ 74,7% xuống 74% nhưng con số tương ứng ở phụ nữ tăng đáng kể từ 45% lên 50,5%.
Số phụ nữ uống ít nhất năm ly rượu mỗi lần và có một “buổi uống” như vậy ít nhất hai lần một tuần cũng tăng từ 6,2% năm 2008 lên 7,2% vào năm 2017.