Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho người lao động Quảng Bình

(PLO) -  Phía Hàn Quốc đang không đồng ý việc đưa thêm lao động thời vụ tỉnh Quảng Bình sang vì lao động tại tỉnh này liên tục bỏ trốn sau khi nhập cảnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-9, Sở Lao động và Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Quảng Bình cho biết, hàng chục lao động của tỉnh này vừa được tuyển dụng và đào tạo để đi làm thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc nhưng đến sát ngày nhập cảnh thì không được các cơ quan chức năng nước này đồng ý.

34/41 người lao động bỏ trốn

Theo Sở LĐTB&XH Quảng Bình, trong đợt 1 năm 2022, tỉnh này đã đưa được 41 người lao động sang làm việc tại TP Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) theo đúng thỏa thuận đã ký kết giữa các bên. Dự kiến thời gian về nước của 41 lao động này là ngày 15-9-2022.

Tính đến ngày 12-7, trong số 41 lao động này đã có 10 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Dù vậy, chính quyền TP Yeongju (Hàn Quốc) vẫn tiếp tục gửi văn bản đề nghị tỉnh Quảng Bình hỗ trợ tuyển dụng đợt 2 năm 2022 với số lượng 60 lao động.

Nhận được văn bản của phía TP Yeongju, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP và người đại diện của phía Hàn Quốc tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn được 55 người lao động (NLĐ) đủ điều kiện tiêu chuẩn để đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc đợt 2, dự kiến nhập cảnh vào Hàn Quốc là ngày 6-9-2022.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 8-2022, chính quyền TP Yeongju tiếp tục phát hiện có thêm 24 người lao động lao động đợt 1 năm 2022 của tỉnh Quảng Bình đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, tổng cộng là 34/41 lao động bỏ trốn.

Do đó, Văn phòng xuất nhập cảnh Daegu (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) đã từ chối không cấp giấy chứng nhận cấp thị thực cho lao động thời vụ của tỉnh Quảng Bình.

Đồng thời, chính quyền TP Yeongju đã chính thức gửi thông báo cho Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình không thể làm các thủ tục nhập cảnh cho người lao động đợt 2 năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp nhận NLĐ trong năm 2023.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Quốc Khánh - Cổng thông tin Sở LĐTB&XH Quảng Bình)

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Quốc Khánh - Cổng thông tin Sở LĐTB&XH Quảng Bình)

"Sau khi một số lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Hàn Quốc, Sở đã chủ động tổ chức nhiều buổi làm việc với các địa phương, gia đình có người vi phạm để vận động NLĐ về nước.

Tổ chức tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các cấp và sở ngành phối hợp xử lý vi phạm và vận động NLĐ chấp hành hợp đồng theo đúng cam kết. Tuy nhiên, các địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để, thân nhân NLĐ không hợp tác trong việc vận động con em chấp hành quy định của hợp đồng và thực hiện cam kết bảo lãnh", - ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết.

Nhiều hệ lụy về sau

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình, để tuyển chọn được lao động chất lượng thì ngoài việc xem xét hồ sơ, các đơn vị liên quan còn tổ chức cho NLĐ học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, kỹ năng nghề nông nghiệp.

Cùng với đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Bình còn phải chi trả khoảng 100 triệu đồng để phục vụ tiếp đón người đại diện của Hàn Quốc, phỏng vấn, tuyển chọn, giáo viên giảng dạy, phiên dịch và các chi phí có liên quan. Phía NLĐ cũng đã chi trả khoảng 12,2 triệu đồng/người.

Do đó, trên thực tế, việc dừng xuất cảnh của lao động đợt 2 năm 2022 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của NLĐ mong muốn tìm kiếm việc làm tại nước bạn và một số thiệt hại về kinh phí.

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Bình cho biết, 34 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phú, Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) và xã Hồng Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ). Trường hợp bỏ trốn đầu tiên là tại xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh).

Liên quan đến việc lao động trốn tại Hàn Quốc, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) cho biết : "Trong đợt 1, toàn xã có hai vợ chồng sinh sống tại thôn Thạch Thượng 2 được tuyển chọn và đào tạo để đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Khi nhận tin họ bỏ trốn, phía chính quyền địa phương cũng đã về tại gia đình bố mẹ của họ để động viên, đề nghị gia đình gọi con về làm lại nơi đã ký hợp đồng nhưng cũng không hiệu quả."

Trước thực trạng nói trên, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình hiện đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất một số giải pháp như giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình phối hợp với cơ sở đào tạo và các đơn vị có liên quan hỗ trợ lại một số khoản kinh phí cho người lao động. Dự kiến, mỗi người sẽ được nhận lại 9 triệu đồng cho các khoản học ngoại ngữ, nghề, giáo dục định hướng và một số khoản kinh phí khác. Những NLĐ này cũng được ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác, phù hợp nếu có nhu cầu. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho NLĐ đợt 2 năm 2022 không thể xuất cảnh được từ nguồn ký quỹ của những NLĐ đợt 1 năm 2022 đã vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm