Hàng giả tại các điểm du lịch, trung tâm thương mại... không giảm

(PLO)- Theo Cục quản lý thị trường TP.HCM, kinh doanh hàng giả, hàng lậu đem lại lợi nhuận lớn nên có nhiều đối tượng dù đã bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần.

Ngày 27-9, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết trong quý III đơn vị đã kiểm tra 1.598 vụ, xử lý 1.322 vụ vi phạm.

Đáng chú ý, trong quý III hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm nhiều nhất với 475 trường hợp vi phạm.

Các đội QLTT tạm giữ hơn 563.000 đơn vị sản phẩm hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện điện thoại di động… Hàng hóa vi phạm ước tính hơn 16 tỉ đồng.

banh-lau.jpg
Trong quý III, hàng không rõ xuất xứ chiếm nhiều nhất với 475 trường hợp. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM

Tiếp đến ở lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng QLTT cũng phát hiện vi phạm về các hành vi không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu, thông tin hàng hóa, dịch vụ, giá cả, các phương thức thanh toán theo quy định...

Bên cạnh đó, QLTT còn phát hiện các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã tạm giữ hơn 3.400 đơn vị sản phẩm. Hàng hóa vị phạm trị giá hơn 117 triệu đồng.

Theo Cục QLTT, đơn vị đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra tại các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại, địa bàn nổi cộm… Qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nhưng tình hình kinh doanh hàng giả vẫn không có dấu hiệu giảm.

Số lượng nhãn hiệu bị làm giả ngày càng đa dạng, gây khó khăn trong việc xác định hàng thật, hàng giả cho lực lượng QLTT.

Hơn nữa, do kinh doanh hàng giả, hàng hàng lậu đem lại lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng từng vi phạm và bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần. Buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... vẫn không có dấu hiệu giảm.

Đặc biệt, nguồn hàng di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán tại các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại những tháng cuối năm sẽ còn hoạt động rầm rộ hơn nữa.

Do đó, Cục QLTT TP tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các địa điểm trên.

Tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM cơ bản đã ổn định. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng nhưng lượng cung xăng dầu vẫn đầy đủ để phục vụ nhu cầu của thị trường.

QLTT TP.HCM cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi ngưng bán hàng không có lý do chính đáng, hành vi găm hàng, kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm