Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIV về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về chất vấn và trả lời.
Liên quan đến lĩnh vực đa cấp, Bộ Công Thương cho biết trong chín tháng tính từ đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm bốn doanh nghiệp.
Tính tới hết tháng 9-2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015.
Ngành bán hàng đa cấp trong sáu tháng đầu năm 2017 tiếp tục giảm về số lượng doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là công ty có quy mô lớn nhất trong ngành thực hiện chấm dứt hoạt động vào tháng 4-2017. Việc công ty này chấm dứt hoạt động là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tiếp tục giảm mạnh so với cuối năm 2016.
Tính đến hết tháng 6-2017 có 361.592 người tham gia bán hàng đa cấp, giảm 43% so với cuối năm 2016. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt hơn 3.000 tỉ đồng.
Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp khoảng 986 tỉ đồng, chiếm khoảng 32% doanh thu. Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (72%) và mỹ phẩm (25%).
Trong sáu tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt bốn doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được nhiều đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Gần như tất cả đơn khiếu nại Bộ Công Thương nhận được đều từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao.
Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.