Hàng nghìn vé tàu Tết đang ế

Tuy nhiên năm nay hành khách thờ ơ khiến Ga Sài Gòn tồn 9.000 vé tàu TP HCM - Hà Nội, chiều vào TP HCM sau Tết cũng ế 12.000 vé.

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, cho biết thời điểm này của các năm trước vé tàu đã được bán hết. Nhưng năm nay tốc độ bán chậm hơn, hiện còn tồn 9.000 vé đi tất cả các ga ngày 20-22/1 và 29/1. Ngoài ra, còn 4.000 ghế phụ trên tàu Thống Nhất số chẵn trong các ngày cao điểm 20-23/1 đi các ga từ Quảng Ngãi trở ra. Chiều đi vào sau Tết còn 12.000 vé chủ yếu ở các ga từ Hà Nội đến Thanh Hóa vào TP HCM.

Theo ông Thành, nguyên nhân của tình trạng này có thể do các trường đại học cho sinh viên nghỉ chậm hơn, sau 23 tháng Chạp, thay vì tầm 19-20 tháng Chạp như các năm trước nên sinh viên chưa mua vé tàu về quê. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn nên nhiều người làm ăn, sinh sống tại TP HCM không về quê dịp Tết.

Sáng 16/1, quầy bán vé Ga Hà Nội vắng vẻ, nhân viên bán vé cũng chưa được huy động tối đa. Giá tàu Tết lên tới 1,5-2,1 triệu đồng khiến nhiều người chuyển sang đi máy bay giá rẻ. Ảnh: Bá Đô.
Picture-124-2604-1389843077.jpg

Tốc độ bán vé tàu tại ga Hà Nội cũng chậm hơn năm trước. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó ga Hà Nội cho biết, năm nay ga bán vé tàu Tết khá sớm và ngày nghỉ dài nên hành khách mua vé đi trải đều các ngày trước Tết. Tuy nhiên, lượng vé tàu đi chặng ngắn bán chậm hơn các năm trước, vé tàu sau Tết hiện còn khá nhiều.

Theo một số hành khách, giá vé tàu ngày thường đã khá cao, dịp Tết lại tăng thêm đến 10% nên họ có xu hướng chuyển đi máy bay giá rẻ hoặc ôtô đường dài. Thực tế, giá vé tàu TP HCM - Hà Nội dịp cao điểm 20 đến 29 tháng Chạp thấp nhất là 1,5 triệu đồng và cao nhất lên tới 2,1 triệu đồng, trong khi nhiều hãng xe chất lượng cao lấy giá khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng, vé máy bay các hãng từ TP HCM ra Hà Nội cũng khoảng 2,3 - 2,8 triệu đồng một vé dịp trước Tết.

"Giá vé tàu Tết 1,8 triệu đồng, cộng với tiền ăn uống thì cũng gần bằng vé máy bay, trong khi phải ngồi tàu hơn 30 giờ, máy bay chỉ mất 2 giờ là đến Hà Nội. Ngày Tết đi lại phải khẩn trương nên tôi tính đặt vé máy thay cho đi tàu", anh Trung Dũng, cán bộ một công ty xây dựng cho hay.

Với các chặng ngắn, nhiều hành khách lại chọn ôtô thay cho tàu hỏa bởi chất lượng xe khách khá tốt, giá vé cũng không quá cao. Trên chặng Hà Nội - Vinh, vé tàu giường điều hòa lên gần 400.000 đồng, trong khi giá vé xe giường nằm điều hòa chỉ hơn 200.000 đồng.

Lý giải nguyên nhân tăng giá vé tàu dịp Tết, ông Nguyễn Văn Bính, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, cho biết giá vé tàu tăng 2-10% là do tăng thêm 7 đôi tàu chạy rỗng một chiều phục vụ hành khách dịp Tết, cũng như xe khách, tàu vận chuyển một chiều nên phải tăng giá vé đề bù đắp chi phí.

Đề cập tình trạng giá vé tàu ngày thường hiện cũng khá cao so với các phương tiện khác, ông Bính cho hay, giá vé tàu được xây dựng trên giá thành chi phí đầu vào như các phụ tùng toa xe không thể sản xuất trong nước, chi phí lao động phục vụ trên tàu khá lớn, không thể cắt giảm. Bên cạnh đó, mỗi năm ngành đường sắt phải bù lỗ 90 tỷ đồng cho 5 đoàn tàu địa phương, trong khi chỉ tuyến Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - TP HCM là có lãi.

"Với giá vé tàu hiện nay, ngành đường sắt rất khó cân bằng thu chi, thậm chí là thu không đủ chi", ông Bính nói.

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát đầu vào như nguyên vật liệu, nhân lực.. để tính toán lại giá vé tàu và so sánh với các phương tiện vận tải khác. Tỷ trọng đường sắt ngày càng giảm, trong khi các lĩnh vực khác đều tăng.

Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết ngành Đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu: "Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt luôn nghĩ mình không phải doanh nghiệp mà là Bộ Đường sắt nên trong cách làm việc, mối quan hệ chưa thực sự thay đổi, vẫn nghĩ mình là cơ quan quản lý nhà nước".

Theo ông Thăng, ngành đường sắt phải cạnh tranh với hàng không khi giá vé tàu Hà Nội - TP HCM là 1,9 triệu mà đi trong 30 giờ, trong khi vé máy bay giá rẻ chỉ 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, sắp tới có hàng loạt đường bộ cao tốc sắp hoạt động như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng thì đường sắt sẽ phải cạnh tranh với vận tải đường bộ.

Theo Đoàn Loan (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm