Theo quy định của ngành đường sắt, trong thời gian phục vụ vận chuyển hành khách dịp tết, vé đi tàu của khách có các ga từ Nha Trang trở ra phải có tên và ba số cuối CMND trên vé, hành khách phải xuất trình CMND để đối chiếu (CMND hoặc các loại giấy tờ thay thế khác như thẻ sinh viên, giấy khai sinh...) khi lên tàu.
Mất tiền oan
9g45 ngày 20-1, trước cổng ga Sài Gòn, gia đình chị Hương gồm năm người với vẻ mặt mệt mỏi đang điện thoại “cầu cứu” khắp nơi để được lên tàu. Chị Hương cho biết trước đó chị nhờ người bạn cùng dãy nhà trọ mua năm vé tàu về Vinh ngày 20 tháng chạp, vì theo chị “người bạn ấy quen một “ông anh” trong ngành đường sắt nên mua vé khá dễ dàng”. Nhưng khi xuất trình vé lên tàu, chị Hương mới ngớ người với quy định tên và số CMND của khách đi tàu phải trùng với tên và số CMND ghi trên vé tàu. Chị đem thắc mắc này hỏi người bạn đã mua vé cho chị thì người bạn này liền gọi cho “ông anh” trong ngành đường sắt để hỏi. Tuy nhiên, gọi hàng chục cuộc điện thoại nhưng “ông anh” vẫn không bắt máy và sau đó thì tắt máy luôn.
Năm vé tàu chị Hương mua có những cái tên và số CMND hoàn toàn khác với thông tin của những người đi tàu với tổng số tiền gần 6 triệu đồng gồm cả tiền công mua vé. Đến 10g cùng ngày, chuyến tàu mà chị đã mua năm vé trước đó đã chuyển bánh nhưng chị vẫn cố gắng liên lạc khắp nơi để mong được lên tàu hoặc nhận lại tiền vé, nhưng mọi cố gắng đều vô vọng vì chị chẳng biết kêu ai ngoài số điện thoại của người bạn mà chị đã nhờ mua vé trước đó. Cuối cùng, gia đình chị Hương đành bấm bụng bỏ ra hơn 6 triệu đồng nữa để mua năm vé về Vinh ngay trong ngày.
Còn hai vợ chồng anh T. mua hai vé đi tàu SE16 ngày 20-1 với giá 741.000 đồng/vé. Nhưng khi lên tàu, anh T. và vợ cũng bị nhân viên ga Sài Gòn chặn lại do vé không đúng thông tin với giấy tờ tùy thân. Anh T. cho biết trước đó anh đến ga Sài Gòn mua vé nhưng do nhà ga thông báo hết vé nên anh đã nhờ “cò” trước cổng ga Sài Gòn mua vé giùm và chịu mất thêm tiền công 200.000 đồng mỗi vé. Do nhiều năm chưa về quê nên anh đã chắt bóp tiền và vay mượn thêm để mua vé qua “cò” với lời hứa chắc nịch: “Chắc chắn sẽ lên tàu được. Có gì tôi chịu trách nhiệm”. Thế nhưng khi không lên được tàu, anh T. gọi cho “cò” thì số điện thoại không liên lạc được. Do không còn tiền để mua vé tàu, cuối cùng vợ chồng anh T. đành bắt xe ôm quay về phòng trọ ở Q.12. “Cũng chưa biết vợ chồng tôi có về quê nữa không vì giờ không còn tiền. Tiền mua vé tàu cũng là tiền đi mượn nên giờ không dám mượn thêm” - anh T. chua xót nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong buổi sáng 10-1 có ba đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn về các tỉnh miền Trung và miền Bắc nhưng có hàng chục hành khách không lên được tàu do vé tàu không hợp lệ. Cũng trong buổi sáng cùng ngày, nhiều hành khách do lỡ mua vé tàu không hợp lệ nên đã “lách luật” bằng cách mua vé tiễn giá 3.000 đồng để đi qua cửa kiểm soát vé của ga và lên tàu.
Ngoài ra, do nhiều người còn mù mờ với quy định thông tin trên vé tàu phải trùng với giấy tờ tùy thân nên việc soát vé của nhân viên nhà ga cũng diễn ra chậm hơn dẫn đến cảnh rồng rắn trước cửa vào ga tàu.
Chủ động đổi vé để giảm thiệt hại
Ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, khuyến cáo những hành khách đã lỡ mua vé qua “cò” hoặc vì một lý do nào đó lỡ mua vé không đúng với thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình thì nên liên hệ sớm với ga Sài Gòn để giải quyết trả vé, đổi vé sớm để tránh thiệt hại. Theo quy định của ngành đường sắt, người dân muốn trả hoặc đổi vé phải trả trước giờ tàu chạy ít nhất 10 tiếng và bị trừ 30% số tiền giá ghi trên vé. Trong một số trường hợp, ga Sài Gòn cho phép chuyển đổi vé lại cho người thân hoặc người cùng cơ quan với điều kiện phải xuất trình giấy tờ chứng minh như hộ khẩu, giấy khai sinh (chuyển cho người thân) hay giấy xác nhận của đơn vị (chuyển cho người cùng cơ quan với trường hợp mua vé tập thể).
Giảm 25% giá vé máy bay cho người dân Côn Đảo Ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không - cho biết ngày 20-1 Cục Hàng không đã làm việc với Vietnam Airlines (VNA) và đã thống nhất với phương án giảm 25% giá vé cho ba trong số bốn mức giá trên đường bay TP.HCM - Côn Đảo từ ngày 21-1. Mức giảm được áp dụng cho người dân, cán bộ, chiến sĩ sinh sống, làm việc ở Côn Đảo. Cụ thể, VNA sẽ giảm 25% giá vé cho ba mức giá hiện nay gồm 1,45 triệu đồng, 1,2 triệu đồng, 1 triệu đồng (chưa bao gồm thuế VAT và giá phục vụ hành khách - thu hộ cảng hàng không). Riêng mức giá 750.000 đồng có điều kiện không hoàn, đổi vé (chưa bao gồm thuế, phí) không giảm vì thấp dưới mức giá thành quá nhiều (mức giá này chủ yếu áp dụng cho chuyến bay lệch đầu một chiều rỗng). TUẤN PHÙNG |
Theo Mậu Trường (TTO)