Hàng trăm hộ dân 'khát' nước sạch ngay giữa thủ đô

Đã hai tháng trở lại đây, hàng trăm hộ dân tại khu vực tổ dân phố Hoàng 20 (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải sống trong tình cảnh "khát" nước sạch. Theo đó, dù họ đã lắp hệ thống đồng hồ, đường ống của công ty nước sạch, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà bể nước luôn ở trạng thái cạn trơ đáy. Các hộ dân ở đây cho biết trung bình từ tháng 8 tới nay, mỗi tháng bị mất nước khoảng 15 ngày. Những lúc không có nước sạch như vậy, họ phải mua nước đóng bình về để ăn uống, còn tắm giặt thì "di cư" đến nhà người thân để được trợ giúp.

Trước tình trạng mất nước kéo dài trên, mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh đến Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cơn "khát" nước sạch ngày càng trầm trọng, biện pháp tối ưu nhất mà người dân tại đây có thể làm để khắc phục chính là khoan giếng. Tuy nhiên, mỗi chiếc giếng khoan có giá trị lên tới cả chục triệu đồng, do đó không phải hộ nào cũng có thể bỏ tiền ra. Được biết toàn bộ tổ dân phố Hoàng 20 có khoảng 60 hộ dân, hiện đã có khoảng 10 hộ khoan giếng để có nước phục vụ sinh hoạt.

Bà Lê Thị Sáng (60 tuổi), người được coi là "cứu tinh" của nhiều hộ dân trong tổ dân phố. Bà Sáng là một trong những người đầu tiên bỏ tiền thuê thợ về khoan giếng, hiện chiếc giếng này đang phục vụ cho 4-5 hộ dân cùng sử dụng. Bà Sáng cho biết dù gia đình bà không ở đây nhưng thấy tình trạng mất nước diễn ra trong nhiều ngày liền, bà đã thuê thợ về khoan giếng để dùng tạm. Ngoài phục vụ cho mấy căn phòng cho thuê trọ, bà cũng cho những hộ dân chưa khoan được giếng dùng miễn phí.

Nước từ giếng khoan sau khi lấy lên sẽ được đi qua một chiếc bể lọc (chủ yếu là cát và sỏi) rồi dẫn trực tiếp vào từng hộ gia đình. Tuy nhiên, do nguồn nước không đảm bảo, chiếc giếng dù mới được xây nửa tháng trở lại đây đã nhanh chóng bị ố vàng. Người dân cho biết dù đã được lọc qua nhưng nước vẫn rất tanh và có mùi khó chịu. Biết là không đạt chất lượng nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng nguồn nước này.

Hình ảnh những đường ống dẫn nước chằng chịt, chạy dọc các ngõ ngách, nối vào các cửa nhà đã trở nên quen thuộc với tổ dân phố Hoàng 20. Tình trạng mất nước kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, sức khỏe và cả kinh tế của các hộ dân tại đây.

Chị Đàm Thị Oanh (29 tuổi) cho hay tình trạng mất nước khiến cuộc sống các hộ dân trong khu vực bị đảo lộn, đi làm về không có nước nấu cơm, quần áo vài ngày mới giặt một lần, thậm chí việc tắm rửa cũng phải hạn chế. Hộ nào có điều kiện thì ra nhà nghỉ hoặc khách sạn để tắm, việc nấu ăn thì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước đóng bình đi mua. Mỗi tháng tiền nước đóng bình có thể lên tới vài trăm ngàn đồng.

Chị Oanh cũng vô cùng bức xúc và cho rằng việc mất nước kéo dài đã gây thiệt hại về cả kinh tế và sức khỏe của người dân. Cụ thể, các hộ phải bỏ tiền ra để khoan giếng, mua máy bơm, rồi tiền điện để bơm nước,... Còn về sức khỏe, do dùng nguồn nước không đảm bảo, con gái của chị thường xuyên ốm, hiện bị đau mắt đã nhiều hôm mà chưa khỏi. Mặc dù các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần lên xí nghiệp nước sạch nhưng đều chưa được giải quyết. "Khu chung cư bên cạnh thì có nhưng ở đây thì lại không, chẳng lẽ người dân lao động lại không được dùng. Chúng tôi chỉ mong muốn có nước sạch, để đảm bảo sức khỏe của con cháu chúng tôi" - chị Oanh nói.

Bà Bạch Thị Thành (64 tuổi), khi được hỏi về việc mất nước đã phải thốt lên rằng: "Mang tiếng ở Hà Nội, còn khổ hơn cả ở quê". Bà Thành chia sẻ con gái bà mới sinh cháu nên bà từ quê ra Hà Nội để trông và chăm sóc cho hai mẹ con. Tuy nhiên, đúng dịp sinh nở thì nước mất kéo dài, mọi sinh hoạt đều trở nên chật vật hơn. Mất nước, con rể lại đi làm cả ngày, con gái thì vừa sinh, không còn lựa chọn nào khác, dù tuổi đã cao nhưng bà phải gồng lưng đi xách từng xô nước từ chiếc giếng khoan của hộ bà Sang về nhà.

Mỗi ngày bà Thành phải xách 4-5 lượt nước, khoảng cách từ giếng khoan về đến nhà khoảng 100 m. Bà bảo: "Mệt lắm, gần 70 tuổi rồi chứ ít gì. Nhưng không làm thế nào được. Ngay như hôm qua, 12 giờ đêm tôi cũng phải chạy ra xách nước vào để cho con gái rửa ráy". Vất vả là một chuyện nhưng điều bà Thành lo lắng hơn là nguồn nước tại đây không đảm bảo, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con gái và cháu của bà.

Để hạn chế sự ô nhiễm của nguồn nước, nhiều hộ gia đình sử dụng phèn, sau đó lọc qua hệ thống bình lắng. Tuy nhiên, chỉ như "dã tràng xe cát", nguồn nước sau khi pha phèn và lắng vẫn có mùi rất tanh, chỉ qua một đêm đã chuyển màu vàng. Phía dưới đáy là vô số cặn bẩn, phía mặt nước là những vệt váng màu vàng, giống như gỉ sét.

PV mang những phản ánh và lo lắng của người dân về tình trạng nước mất kéo dài đến Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy để tìm hiểu. Tuy nhiên, sau một hồi lâu liên hệ, đơn vị này cho biết giám đốc đang đi họp nên chưa thể cung cấp thông tin và hẹn PV quay lại vào lần sau. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về tình trạng "khát" nước sạch của các hộ dân nơi đây tới quý bạn đọc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm