Hàng trăm thiết bị y tế giá trị lớn 'đắp chiếu' gây lãng phí ở Thanh Hóa

(PLO)- Sau chống dịch COVID-19, ở Thanh Hóa vẫn còn 165 thiết bị y tế trong đó có nhiều thiết bị có giá trị cao nhưng không sử dụng gây lãng phí.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-8, HĐND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục làm việc.

Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đặt vấn đề: Nhiều trang thiết bị y tế của các nhà tài trợ, cho tặng, sau khi chống dịch COVID-19 vẫn chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân, dẫn đến nhiều thiết bị "đắp chiếu”, có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phí.

Thanh Hóa Hàng trăm thiết bị y tế tài trợ giá trị lớn đắp chiếu sau dịch COVID-19 - 1.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Cẩn, Quyền Giám đốc sở Y tế Thanh Hóa cho rằng việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị trong công tác phòng chống dịch COVID-19 từ hai nguồn gồm nguồn ngân sách nhà nước và nguồn từ các nhà tài trợ.

Theo đó, đối với các thiết bị chống dịch COVID-19 từ ngân sách đã được sử dụng để phục vụ công tác khám chữa bệnh ở các bệnh viện như Bệnh viện phổi Thanh Hóa, Đa khoa huyện Ngọc Lặc và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa…

Đối với trang thiết bị từ nguồn viện trợ, tài trợ, cho tặng của các doanh nghiệp, tập đoàn thì Sở Y tế thống kê có 405 trang thiết bị y tế, trong đó có 240 thiết bị đã xác lập quyền sở hữu toàn dân tương với 80,3 tỷ đồng.

Còn lại 165 trang thiết bị y tế đến nay chưa xác định được giá trị. Đặc biệt, trong số đó có một số thiết bị có giá trị lớn như hệ thống máy xét nghiệm PCR (16 thiết bị), máy thở (85) và xe chuyên dùng xét nghiệm lưu động.

Về 165 thiết bị từ nguồn tài trợ, ông Cẩn cho rằng do vướng mắc nghị định 295/2018 của Chính phủ, một số đơn vị khi tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân thì thiếu hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Thanh Hóa Hàng trăm thiết bị y tế tài trợ giá trị lớn đắp chiếu sau dịch COVID-19 -.jpg
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn nêu nguyên nhân về việc chậm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các thiết bị y tế được tài trợ trong quá trình chống dịch COVID-19.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân thì thực hiện theo nghị quyết 99 của Quốc hội khóa XV về việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó Chính phủ giao Bộ Y tế tham mưu cho chính phủ để có nghị quyết riêng cho vấn đề này và đây cũng là vướng mắc, không riêng gì ở Thanh Hóa.

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng, đối với những tài sản được tài trợ, cho tặng khi đã xác lập được quyền sở hữu thì mới có cơ sở để bố trí sắp xếp lại tài sản sử dụng đúng mục đích, tránh gây lãng phí.

Tuy nhiên đến nay số tài sản chưa được xác lập vẫn còn nhiều với lý do hồ sơ không đầy đủ là chưa phù hợp.

Thanh Hóa Hàng trăm thiết bị y tế tài trợ giá trị lớn đắp chiếu sau dịch COVID-19 - 2.jpg
Ông Đỗ Trọng Hưng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông đề nghị: Với 16 máy PCR, Sở Y tế phải liên hệ ngay với nhà tài trợ để có hồ sơ sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân, sớm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thiết bị.

Ông yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác lập sở hữu toàn dân đối với các trang thiết bị được tài trợ. Rà soát máy móc, thiết bị và tài sản dôi dư, xác định nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án xử lý theo hướng điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu và các hình thức khác theo quy định để tránh lãng phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm