Hàng tỷ USD dồn dập đổ vào lĩnh vực địa ốc

Trong nhiều năm qua, bất động sản vẫn luôn là một trong những lĩnh vực thu hút vốn FDI tại tại phố HCM nói riêng và trên cả nước nói chung.

Tính đến hết tháng 8 vừa qua, thành phố có 42.922 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 356.497 tỷ đồng. Trong các ngành, nghề, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có vốn đăng ký lớn nhất khi chiếm 40,6% tổng vốn đăng ký mới. Không chỉ trong nước, dòng vốn ngoại cũng liên tục chảy vào thị trường bất động sản TP.HCM.

Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm, Thành phố có 640 dự án đầu tư nước ngoài cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đạt 558,63 triệu USD (tăng 22,2% số dự án cấp mới và bằng 70% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Trong đó, phân theo ngành nghề/lĩnh vực, thì công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 24,5%, tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 23,1%, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 22,4%...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc dòng vốn tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản trong 8 tháng qua đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có tác động nhờ Nhà nước đã thay đổi chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận, hiện tại đang là thời điểm chín muồi cho các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào thị trường.

Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, riêng tại TP.HCM, tổng giá trị giao dịch của các dự án bất động sản trong nửa đầu năm nay đã đạt gần 1 tỷ USD, trong khi cả năm 2017 là 1,5 tỷ USD.

"Hiện tại là đỉnh cao của chu kỳ, nên các nhà đầu tư đang tận dụng thời điểm này để bước chân vào thị trường trong nước. Họ sợ nếu không đầu tư ngay trong năm nay, thì sẽ lỡ mất một nhịp", bà Dung đánh giá.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hợp tác Thịnh Vượng tiết lộ, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hợp tác đầu tư đều nhắm tới cao ốc và địa ốc. “Một điều chắc chắn là nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ chỉ tính đến lợi ích của họ. Nếu giá trị gia tăng cao, nhưng lại không phải đồng tiền được tiếp tục tham gia vào quy trình sản xuất kinh doanh ở trong nước mà đổ ra nước ngoài. Như vậy, ngành bất động sản đang tạo ra nguồn tiền không có giá trị thật, phục vụ lợi ích kinh doanh trong nước” – ông Quỳnh bày tỏ quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới