Việt Nam (VN) đang trở thành nơi cung cấp nguyên liệu nông sản giá rẻ để Trung Quốc (TQ) chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao và trở thành đối thủ cạnh tranh với chính doanh nghiệp (DN) Việt trên thị trường thế giới.
TQ mua nông sản Việt về… xuất khẩu
Nhiều mặt hàng của VN mải mê chạy theo thứ hạng xuất khẩu, đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhưng lại bỏ quên việc nâng cao giá trị sản phẩm. Chính vì vậy hơn 90% các nông sản chủ lực của nước ta như thủy sản, cà phê, điều, hồ tiêu… đều xuất khẩu thô với giá rẻ.
Trong khi đó các nhà nhập khẩu TQ mua nông sản Việt với giá rẻ về chế biến sản phẩm có giá trị cao, thậm chí gắn mác hàng TQ rồi không chỉ cung ứng cho nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), cho hay trong sáu tháng đầu năm nay TQ đã nhập cá tra Việt với giá trị hơn 133 triệu USD, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này, TQ đã vượt lên trở thành thị trường nhập nhiều cá tra VN nhất. Đáng nói là trong khi DN VN xuất khẩu thô, giá trị thu về không được bao nhiêu thì các nhà nhập khẩu TQ mua cá tra Việt về để chế biến hàng giá trị gia tăng với giá bán cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu. Điều này lý giải vì sao các DN TQ nhập khẩu thủy sản tăng mạnh.
“TQ có các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn cầu. Hơn nữa người tiêu dùng Hoa kiều có mặt ở nhiều thị trường nên nước này mua cá tra Việt về chế biến sâu rồi xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU cũng là điều dễ hiểu” - ông Hòe lý giải.
Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay dù thị trường TQ tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu lại nhập hàng thô. Với cách mua này, các DN Việt chủ yếu làm gia công cho họ, còn phần giá trị gia tăng của sản phẩm thì không có được. Không chỉ vậy, các thương lái TQ thường đến tận các vùng nguyên liệu để thu mua nguyên liệu không theo tiêu chuẩn nào, gây nên tình trạng nhiễu loạn thị trường.
Cùng chung “số phận” như cá tra, hơn 10 năm nay VN giữ ngôi đầu về xuất khẩu hạt điều. Nhưng đáng buồn là trong giá trị xuất khẩu hơn 3 tỉ USD mỗi năm thu về thì giá trị sản phẩm chế biến sâu chỉ mang lại khoảng 200 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm nhưng không nắm được thị trường tiêu thụ nên phải bán rẻ. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY
Thừa nhận thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) Nguyễn Đức Thanh cho biết hơn 99% kim ngạch xuất khẩu điều từ VN sang TQ là điều nhân. Đáng lo là thời gian qua TQ đã quay sang chế biến xuất khẩu điều. Các doanh nhân nước này đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến hạt điều nhân và đóng gói sản phẩm chế biến sâu, xuất khẩu sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, cạnh tranh với DN VN.
Tương tự, mặt hàng cà phê xuất ngoại nhiều nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Có thời điểm cà phê nhân của Việt Nam chỉ xuất khẩu được với giá 2 USD/kg trong khi những sản phẩm đã chế biến có giá bán 200 USD/kg.
Ăn thua cách tiếp thị
Là DN khai thác gần như 100% giá trị của con cá tra từ phi lê, chế biến sâu đến tận dụng phụ phẩm đầu, xương, mỡ cá làm thức ăn chăn nuôi và dầu cá, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, nhận định: Không phải do trình độ sản xuất chế biến của DN Việt yếu mà sản phẩm thô (cá phi lê) dễ bán và có thể bán với khối lượng lớn nên DN Việt đã chọn cách này. Mặt khác, việc phát triển thị trường xuất khẩu của DN VN còn kém.
“Việc xuất khẩu của DN VN chỉ dừng ở mối quan hệ với các nhà nhập khẩu nước ngoài; không tiếp cận được với hệ thống phân phối bán lẻ, không tiếp cận được với người tiêu dùng. Vì vậy, VN cũng chỉ dừng lại bán thô cho nhà nhập khẩu. Ngược lại, các DN TQ lại làm được điều này” - ông Đạo chỉ rõ.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1, cho biết thêm thị trường TQ rộng lớn, ngay gần VN nhưng DN nước ta cũng vẫn chỉ bán nông sản phần lớn qua đường tiểu ngạch dạng thô chứ ít DN nào làm việc trực tiếp được với nhà bán lẻ TQ.
“Để chế biến sâu những sản phẩm như hạt điều tẩm mật ong, hạt điều snack, hạt điều wasabi… thì DN phải có đơn đặt hàng, phải biết khẩu vị của khách hàng. Muốn vậy DN phải tự xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm quốc tế, gặp gỡ đối tác nước ngoài. Lúc đầu có thể làm theo đơn đặt hàng, theo công thức các sản phẩm chế biến sâu của nhà nhập khẩu” - ông Huyên gợi ý.
Cá nướng Việt vào siêu thị Nhật GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhận xét nông sản VN vẫn xuất thô vì không biết cách tiếp thị, không biết xây dựng quan hệ với đối tác nước ngoài. Câu chuyện cá tra nướng vào siêu thị Nhật Bản là một minh chứng cho hướng đi mà các DN thủy sản nói riêng và ngành nông sản Việt nói chung phải tập trung đầu tư khai thác. Những sản phẩm cá tra này được sản xuất tại VN, được tẩm ướp, nướng theo công thức của đối tác Nhật Bản. “Từ đây cho ta bài học: Để thúc đẩy chế biến sâu, DN Việt bước đầu phải hợp tác với DN nước ngoài, chứng minh năng lực sản xuất, công nghệ chế biến của mình. Thậm chí phải tìm hiểu khẩu vị người tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thử, liên kết với hệ thống phân phối, tiếp thị sản phẩm” - GS Xuân chia sẻ. Trung Quốc mua dầu thô Việt Nam giá thấp Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, TQ hiện là nhà nhập khẩu số một mặt hàng dầu thô của VN với lượng nhập khẩu gần 50% tổng lượng dầu thô xuất đi của VN trong ba tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, so sánh với các đối tác nhập khẩu dầu thô của VN, giá dầu nhập của phía TQ luôn thấp hơn khá nhiều. Ví dụ giá dầu thô mà các đối tác từ Nhật Bản nhập của VN là 9,8 triệu đồng/tấn, cao hơn 400.000 đồng/tấn so với mức giá phía TQ nhập. Điều đáng nói là từ năm 2014 đến nay, khi giá dầu thô rớt xuống khoảng 40 USD/thùng, TQ đã tranh thủ nhập khẩu dầu thô của VN, còn trước đó khi giá dầu cao, nước này nhập rất ít. |