Năm 2010, UBND TP.HCM có Quyết định 4381/QĐ-UBND về cắm mốc chỉ giới tuyến đường sắt quốc gia đoạn qua địa bàn (dài 14,54 km, chạy qua năm quận: 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức - PV). Mốc chỉ giới được tính từ mép ray ngoài ra mỗi bên 15 m, nhằm xác định phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường sắt (sau đây gọi chung là HLATĐS).
Mốc chẳng thấy, nhà bị treo
Ông Huỳnh Én, có căn nhà lụp xụp nằm bên đường ray xe lửa đoạn gần cống Bà Xếp, thuộc phường 11, quận 3. Từ lâu ông Én muốn xây lại căn nhà để có chỗ ở yên ổn nhưng lần nào lên UBND phường hỏi thăm về quy hoạch thì đều được trả lời nhà của ông nằm trong HLATĐS nên không được xây mới.
Ông Én thắc mắc: “Quy định về cắm mốc chỉ giới được ban hành từ năm 2010 nhưng đến nay chẳng có cột mốc nào được cắm dọc theo đường ray. Vậy thật ra quy hoạch này có được thực hiện không? Nếu không thì hãy để cho dân được sửa chữa, xây dựng nhà cửa nhằm ổn định cuộc sống”. Tuy nhiên, UBND phường trả lời: Dù cột mốc chỉ giới chưa được cắm trên thực địa nhưng chỉ giới 15 m tính từ hai bên đường ray thì đã có theo Quyết định 4381/2010. Do đó phường, quận không thể giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng cho dân được.
Ông Nguyễn Minh, nhà ở đường Kha Vạn Cân (tên cũ) đoạn gần cầu Gò Dưa gặp phải nghịch cảnh đất rộng nhưng không được xây nhà mới. Cụ thể, đất của ông nằm sát mặt tiền đường dân sinh, cách mép hàng rào bảo vệ đường sắt 8 m và cách mép ray đường tàu gần 7 m nữa. Như vậy nếu ông Minh được xây nhà mới thì mặt tiền căn nhà chỉ cách mép HLATĐS khoảng 1-2 m.
Tuy nhiên, UBND phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức thông báo với ông Minh, hiện ngành đường sắt chưa xác định được ranh mốc chỉ giới 15 m sẽ nằm ở đâu, còn quận thì dự định mở rộng đường dân sinh từ sau mốc chỉ giới đường sắt ra hơn
20 m. Như vậy để an toàn, ông Minh phải làm nhà thụt sâu vô hàng chục mét. “Thế thì tôi khỏi xây nhà luôn vì có còn đất đâu mà làm!” - ông Minh nói.
Ranh giới thực tế của đường sắt qua TP hiện chỉ dưới 10 m, trong khi chỉ giới HLATĐS theo quy hoạch là 30 m nên nhà dân ở hai bên bị… treo luôn. Ảnh: Phước Tĩnh
30 hay 10 m?
Theo Quyết định 4381, HLATĐS qua TP.HCM rộng 30 m (mỗi bên 15 m tính từ đường ray như đã nói ở trên). Nhưng nhiều năm qua, đã có không ít ý kiến đề nghị điều chỉnh lại chiều rộng hành lang này.
Cụ thể, tháng 2-2014, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng Công ty Tư vấn TEDI South làm việc với UBND TP.HCM về xây dựng tuyến đường sắt Trảng Bom (Đồng Nai) - Hòa Hưng (TP.HCM). Đoạn tuyến này dài gần 46 km, trong đó đoạn gần 20 km qua TP.HCM sẽ đi trên cao. Tuyến đường sắt này vẫn có HLATĐS là 30 m như quy hoạch của TP.
Tại buổi làm việc trên, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khi đó cho rằng ranh giới hiện tại của tuyến đường sắt quốc gia từ ga Bình Triệu đến ga Sài Gòn chỉ rộng dưới 10 m. Nếu mở rộng lên 30 m thì việc bồi thường giải tỏa rất khó khăn. Do đó, phía TP yêu cầu tư vấn thiết kế tính toán phương án làm sao để giảm ranh giới giải tỏa.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã đồng thuận với ý kiến giảm ranh giới giải phóng mặt bằng do TP đưa ra. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định mới nào điều chỉnh ranh, chỉ giới HLATĐS được ban hành. Khi chưa có quyết định mới thay thế thì ranh, mốc 30 m theo Quyết định 4381/QĐ-UBND ngày 7-10-2010 của UBND TP.HCM vẫn còn hiệu lực. Điều này đồng nghĩa nhà của dân nằm trong chỉ giới 30 m vẫn sẽ bị… “treo” như cũ.
Chưa cắm, chưa quản và cứ… treo Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, đến cuối năm 2010 phải cắm xong 255 cọc mốc chỉ giới HLATĐS tại TP.HCM, bắt đầu từ Km 1712+205 (ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM) đến hết phạm vi ga Sài Gòn với tổng chiều dài tuyến là 14,54 km. Các địa bàn cắm mốc gồm quận Thủ Đức (các phường Linh Đông, Linh Tây và Hiệp Bình Chánh), quận Bình Thạnh (các phường 11 và 13), quận Gò Vấp (các phường 1, 3, 4 và 5), quận Phú Nhuận (các phường 4, 5, 8, 9, 10, 11 và 13) và quận 3 (các phường 9, 11 và 12). Thế nhưng đến nay không hề có một cột mốc chỉ giới nào được cắm. Ông SB, cán bộ Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, cho biết về nguyên tắc chỉ sau khi 255 cọc mốc được cắm và bàn giao thì công ty mới là đơn vị quản lý chiều dài, rộng của hành lang này. “Còn chuyện quy hoạch treo hoặc dân xây dựng tự phát, làm miếu thờ, bô để rác trong phạm vi hành lang đã được quyết định, công bố… thì nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi” - ông SB nói. 6.000 căn nhà với hàng chục ngàn hộ dân thuộc 19 phường sẽ bị giải tỏa, ảnh hưởng nếu thực hiện chỉ giới HLATĐS là 30 m. (Theo số liệu tính toán hồi năm 2008 của đơn vị tư vấn |