Hậu Giang: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay

(PLO)- Năm 2022, Hậu Giang ước tính có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch và sáu chỉ tiêu đạt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 14%, cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-12, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm).

Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang năm 2022, ước cả năm có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch và sáu chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 14%, cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt gần 66 triệu đồng người/năm.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: BẢO AN

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: BẢO AN

Tại kỳ họp cuối năm 2022 này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đề nghị Thường trực UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh báo cáo, thuyết trình các dự thảo Nghị quyết một cách súc tích. Nhưng đảm bảo các nội dung chính, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Trần Văn Huyến cũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Từ đó, tập trung thảo luận, phân tích sâu, nhận diện rõ những kết quả và bài học đã đạt được. Đồng thời, nhận diện những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua để đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn.

Theo dự kiến kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra từ nay đến ngày 9-12 với năm phiên họp.

Dự kiến kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra từ nay đến ngày 9-12. Ảnh: BẢO AN

Dự kiến kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra từ nay đến ngày 9-12. Ảnh: BẢO AN

Kỳ họp sẽ thông qua 30 báo cáo về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Cạnh đó, thông qua 25 Nghị quyết quan trọng đối với địa phương, như: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất và các công trình, dự án có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh...

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp cuối năm, cho thấy hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 của địa phương.

Tuy nhiên, cử tri cũng kiến nghị nhiều vấn đề, từ đó mong muốn lãnh đạo tỉnh kịp thời có chủ trương, chính sách phù hợp để giải quyết. Cụ thể, cử tri kiến nghị chính quyền các cấp tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con. Cạnh đó, có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại hoa màu do ảnh hưởng triều cường, mưa bão trong thời gian qua để người nông dân có vốn sản xuất.

Cử tri cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ tập huấn cho lực lượng không hưởng lương, hiện tại chỉ được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày là quá thấp so với giá cả thị trường. Cử tri cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan khắc phục tình trạng phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học cho giáo viên và học sinh.

Mặt khác, chỉ đạo chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận y, bác sĩ, cán bộ y tế tại một số bệnh viện công thời gian qua chưa đúng chuẩn mực; tăng số lượng thuốc trong danh mục thuốc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và xem xét lại quy định nằm viện theo diện bảo hiểm y tế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm