Thông tin trên được Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đưa ra tại hội thảo giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực, vi phạm pháp luật đối với học sinh trung học trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra tại tỉnh này.
Có 96/99 vụ bạo lực học đường có nữ sinh tham gia
Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết trong 5 năm học, từ 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 99 vụ bạo lực học đường. Qua thống kê cho thấy, các vụ việc có 262 học sinh liên quan, trong đó có 96 vụ có học sinh nữ liên quan.
Đáng nói, trong 2 năm học gần đây, số vụ bạo lực học đường tăng “đột biến”, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm học 2019-2020 toàn tỉnh xảy ra 16 vụ bạo lực học đường thì đến 2 năm kế tiếp, con số này giảm còn 12 vụ/năm. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, số vụ bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tăng lên 28 vụ và đến năm học 2023-2024, tăng lên 31 vụ.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, trước thực trạng đó, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều văn bản tăng cường các giải pháp xây dựng trường học an toàn; phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện tượng mất an toàn trường học, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh vẫn còn xảy ra ở một vài cơ sở giáo dục; thậm chí có dấu hiệu gia tăng qua từng năm học.
Theo đánh giá của ngành giáo dục Hậu Giang, nguyên nhân là do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực đã để lại nhiều vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ, như: mạng xã hội không lành mạnh, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim bạo lực được giới trẻ quan tâm.
Nguyên nhân thứ hai được ngành giáo dục Hậu Giang xác định là xuất phát từ bối cảnh gia đình. Cụ thể, những học sinh tham gia vào những tình huống bạo lực, vi phạm pháp luật thường xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh, như: cha mẹ ly hôn, cha mẹ đi làm ăn xa, trong gia đình thường xuyên xảy ra xung đột... Từ đó, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm sinh lý của các em học sinh.
Nguyên nhân thứ ba là ảnh hưởng từ cộng đồng dân cư. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, có nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lỏng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội...
Do đó, khi các em tiếp xúc với nhiều đối tượng xấu đó, đã tác động xấu đến các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động, ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường.
Hai nguyên nhân còn lại là do phía nhà trường chưa sâu sát, chưa nhận định tình hình và chưa kịp thời nắm bắt những vụ việc có nguy cơ xảy ra.
Cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng chưa khai thác tốt các tổ tư vấn tâm lý học đường, cũng như phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực học đường trong học sinh còn chậm.
"Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với chính quyền địa phương, với tổ chức đoàn thể, ban ngành trên địa bàn chưa thật sự hiệu quả" - Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang nhận xét.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Từ những nguyên nhân rút ra, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đã đề ra một số giải pháp yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện một cách linh hoạt, theo tình hình thực tế của đơn vị.
Cụ thể, rà soát toàn bộ hệ thống văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các cấp, các ngành về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.
Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Cạnh đó, rà soát, phân loại đối tượng học sinh có nguy cơ vi phạm nội quy, nề nếp, đặc biệt là vi phạm pháp luật; học sinh ở gia đình có hoàn cảnh éo le: bố mẹ ly hôn, ly thân, làm ăn xa, ít người giám sát, giám hộ...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Mặt khác, làm tốt việc cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các tệ nạn có nguy cơ xâm nhập vào trường học.
Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, ban đại diện cha, mẹ học sinh trong triển khai các nội dung đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học. Thực hiện ký cam kết phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh và cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.
Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cũng cho hay đã thiết lập kênh tiếp nhận thông tin liên quan từ sở đến phòng GD&ĐT, các trường học... với nhiều hình thức, như hộp thư góp ý, đường dây nóng, nhóm Zalo, Facebook và hệ thống camera giám sát để xử lý kịp thời vụ việc xảy ra.