Hậu thảm sát Hebdo: Hàng ngàn người dự lễ tang 4 nạn nhân Do Thái

Thân nhân các nạn nhân đã phát biểu tại lễ tưởng niệm bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, và Hebrew đồng thời thắp nến tưởng niệm những người thân quá cố. Một người bác gọi cháu trai của mình là thiên thần; một người vợ nói chồng của cô là một người hoàn hảo; một người con nhớ lại rằng cha mình luôn luôn muốn sinh sống tại Israel. “Và bây giờ ông ấy đã toại nguyện”, cậu nói.
Tổng thống Israel Reuven Rivlin phát biểu trong nghẹn ngào: “Đây không phải là cách mà chúng tôi muốn chào đón các bạn trở về Israel. Chúng tôi muốn các bạn sống, muốn cho các bạn một cuộc sống. Trước khoảnh khắc đầy thương tiếc này, tôi đứng trước các bạn mà trái tim như tan vỡ, đau đớn khôn cùng. Tôi cũng như toàn thể đất nước Israel đang khóc thương các bạn”.
Cái chết của Yohan Cohen, 20 tuổi; Yoav Hattab, 21 tuổi; Phippe Braham, 45 tuổi và François-Michel Saada, 64 tuổi vào hôm thứ Năm tuần trước tại chợ Hyper Cacher ở Paris bởi một tay lính Hồi giáo đã khiến chao đảo cộng đồng Do thái 500 nghìn người trên đất nước Pháp, một cộng đồng Do thái lớn nhất ở Châu Âu.
Sự kện đã làm cho người Israel cảm động sâu sắc, hàng ngàn người đã di chuyển tới nghĩa trang ngoại ô Jerusalem, nơi có những hàng đá đánh dấu màu trắng với bầu trời quang đãng sau một tuần mưa và tuyết.
Một số người dự tang lễ cầm ảnh của các nạn nhân với những dòng chữ “Je suis mort parce que juif”, nghĩa là “Tôi chết vì tôi là người Do thái”.
Bốn nạn nhân không quen biết nhau, họ cùng tới của hàng tạp hóa kosher vào chiều thứ Năm trước khi bắt đầu lễ Sabbath. Nhưng hôm nay họ “gặp nhau” vì phải cùng về cõi chết.
Tại lễ tang, vợ của Braham, Valerie đã phát biểu bằng tiếng Pháp và Hebrew về cái chết của chồng mình, người được bọc trong chiếc khăn choàng tín đồ theo tín ngưỡng của người Do thái.

“Anh, tình yêu của em à. Anh là một người chồng tốt. Anh là người luôn hi sinh cho người khác. Anh là người chồng tuyệt vời và là một người cha yêu thương con hết mực, luôn luôn sống vì con. Em không thể tin được rằng lại có ngày hôm nay”. Cô nói trong nghẹn nghào và nước mắt.

 Mẹ (thứ 2 từ bên trái) và chị gái (bên trái) của Yoava Hattab, nạn nhân trong vụ tấn công tại cửa hàng tạp hóa ở Paris hôm thứ 5. Ảnh: Reuters

Đại diện cho Chính phủ Pháp, Bộ trưởng Bộ năng lượng, bà Ségolène Royal đã nói với những người dự lễ tang rằng: “Họ bị giết bởi họ là người Do thái. Nỗi đau của các bạn cũng chính là nỗi đau của chúng tôi, là nỗi đau của nước Pháp và chúng tôi đang khóc thương cùng các bạn. Nước Pháp đang phải hứng chịu nỗi đau như các bạn”.
Bà cũng đã hứa: “Sẽ không có chỗ cho chủ nghĩa bài trừ Do thái trên đất Pháp. Đó là thông điệp của hàng triệu người Pháp tập trung ngày Chủ Nhật vừa qua. Nước Pháp tự hào là nơi có nhiều người Do thái sinh sống nhất”.
Trong những ngày cuối tuần, cái chết của các nạn nhân đã làm dấy lên lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ người Do thái ở Châu Âu cụ thể là người Do thái ở Pháp nhập cư vào Israel trước tình hình nổi dậy của chủ nghĩa bài trừ người Do thái”.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Atlantic vào tuần trước, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết 100 nghìn người Do thái đã rời khỏi nước Pháp - chiếm 1/5 tổng số người Do thái tại Pháp. Ông nói “Nước pháp sẽ không còn là nước Pháp. Cộng hòa Pháp sẽ bị coi là một sự thất bại”.
Theo số liệu chính thứ từ Israel thì năm ngoái, 7.000 người Do thái ở Pháp đã di chuyển tới Israel và hiện tại Israel đang có lượng dân số người Do thái từ Pháp tương đối lớn. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.
Tại tang lễ, Netanyahu cho biết lãnh đạo các nước mà ông gặp hôm Chủ Nhật tại Paris đã hiểu được, hoặc “ít nhất là đang hiểu rằng, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là một mối đe dọa thực sự và hữu hình đối với hòa bình và thế giới”.
Các gia đình nạn nhân đều không phải là công dân Israel, họ yêu cầu được chôn cất nạn nhân trên đất Israel tại một trong những nghĩa trang lớn nhất - nghĩa trang Hamenuchot, cách Quốc hội khoảng 1,5km.
Đây là điều bình thường với người Do thái không sống ở Israel khi họ yêu cầu được chôn cất ở Israel nhưng một số thành viên gia đình nận nhân bày tỏ nỗi lo sợ rằng, nếu họ chôn ở Pháp thì mộ của họ có thể bị xâm phạm, một bản tin tường thuật cho biết.
“Những người Do thái ở Pháp rất sợ hãi. Họ đang nghĩ tới chuyện rời đi”. - một người thân trong gia đình của Saada, cựu nhân viên quản lý quỹ phụ cấp cho biết. Pascale Mimouni, một kỹ thuật viên máy tính đồng thời là thân nhân của nạn nhân Philippe Braham cho biết cả gia đình đã rất sốc. Cuộc đời của họ đã thay đổi nhưng điều đó còn là nỗi lo ngại của cả thế giới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm