Hệ thống Tia Sắt mới của Israel có 'xịn' hơn hệ thống Vòm Sắt?

(PLO)- Hệ thống phòng không dựa trên tia laser có tên Tia Sắt của Israel có chi phí vận hành thấp, cung cấp năng lực bắn không giới hạn; dù vậy, hệ thống này không thay thế hoàn toàn hệ thống Vòm Sắt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bên cạnh hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel vốn đang hoạt động hết sức chặn rocket do phong trào Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) bắn sang, hệ thống phòng không thế hệ kế tiếp – Tia Sắt (Iron Beam) cũng đang thu hút sự chú ý.

Tia Sắt là hệ thống phòng thủ dựa trên tia laser và được coi là hệ thống có thể thay đổi cuộc chơi trong các biện pháp bảo vệ của Israel, theo tạp chí Newsweek.

Tia Sắt không thay thế hoàn toàn Vòm Sắt

Các báo cáo gần đây cho biết hệ thống phòng thủ Tia Sắt của Israel sẽ ra mắt trên chiến trường trong tương lai gần. Dù không rõ chính xác khi nào Tia Sắt được đưa vào sử dụng nhưng các cuộc tấn công từ lực lượng Hamas thời gian gần đây chắc chắn tạo động lực lớn để Israel đưa vào vận hành hệ thống vũ khí laser năng lượng cao mới này.

iron-beam.jpg
Hệ thống phòng không thế hệ kế tiếp Tia Sắt (Iron Beam) của Israel. Ảnh: Israeli Defense Force/ Rafael

Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống Tia Sắt sẽ được triển khai trong năm 2025, nhưng Bộ Quốc phòng Israel hiện đang đẩy nhanh quá trình phát triển sau khi xung đột với lực lượng Hamas bùng phát, báo Anh The Telegraph đưa tin hôm 16-10.

Các chuyên gia cho hay hệ thống Tia Sắt sẽ có chi phí vận hành phải chăng hơn đáng kể so với tên lửa đánh chặn tương tự vốn có giá lên tới 50.000 USD. Thay vào đó, hệ thống sẽ chỉ tốn một khoản không đáng kể để bắn tia laser công suất 100 kilowatt.

Dù vậy, Tia Sắt được thiết kế để tích hợp vào mạng lưới phòng không hiện tại của Israel, thay vì thay thế hoàn toàn hệ thống Vòm Sắt.

Theo chuyên gia quân sự David Hambling, trong khi hệ thống Vòm Sắt được phát triển để đối phó các cuộc tấn công bằng tên lửa nhỏ thì hệ thống Tia Sắt ra đời nhằm mục đích chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ máy bay không người lái (UAV).

Ông Hambling nói thêm rằng Vòm Sắt là hệ thống phòng thủ thành công nhất trên thế giới. Tuy vậy, trong các cuộc tấn công gần đây, Hamas đã tìm cách áp đảo hệ thống bằng cách phóng nhiều tên lửa hơn mức hệ thống này có thể đối phó trong một thời điểm, hoặc bằng cách làm cạn kiệt nguồn cung tên lửa đánh chặn của Israel.

“Rõ ràng là có giới hạn về số lượng tên lửa mà Vòm Sắt có thể ngăn chặn” – ông Hambling nói.

Kể từ ngày 7-10, sau khi bắt đầu triển khai chiến dịch tấn công trên bộ, trên không và trên biển vào Israel từ Dải Gaza, Hamas hằng ngày duy trì tấn công bằng súng cối, rocket và tên lửa nhằm vào Israel.

IRON DOME.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome). Ảnh: Israel’s Ministry of Defense

Trong cuộc tấn công ngày 7-10, lực lượng Hamas đã phóng tới 5.000 quả rocket chỉ trong 20 phút. Điều này khiến Israel phải tốn chi phí rất lớn để đánh chặn, chuyên gia Hambling lưu ý.

Sau khi bạo lực bùng phát trong khu vực, Mỹ nhanh chóng tuyên bố sẽ cung cấp tất cả phương tiện hỗ trợ thích hợp cho Israel, và đã bàn giao tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt.

Tia Sắt với ưu điểm bắn không giới hạn

Ông Hambling cho biết ưu điểm vượt trội của Tia Sắt là hệ thống này cung cấp năng lực bắn không giới hạn một cách hiệu quả, và với chi phí thấp.

Không giống như nguồn cung cấp tên lửa đánh chặn gặp hạn chế ở hệ thống Vòm Sắt, hệ thống Tia Sắt có thể bắn liên tục miễn là nó có nguồn điện, và chi phí cho mỗi lần bắn chỉ khoảng 1 USD.

“Hệ thống Tia Sắt nhanh chóng chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu tiếp theo, tấn công với vận tốc ánh sáng, nhanh chóng hạ gục tên lửa chừng nào chúng còn tiếp tục bay tới” – theo ông Hambling.

iron-dome-danh-chan-rocket-hamas.jpg
Hệ thống Vòm Sắt đánh chặn rocket phóng từ Dải Gaza hôm 8-10. Ảnh: Mahmud Hams/AFP/Getty Images

Dù vậy, tầm hoạt động và sức mạnh của Tia Sắt vẫn còn là dấu hỏi. Theo các nhà sản xuất, hệ thống này có thể nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa đang đến từ cách xa vài trăm mét đến vài km nhưng có rất ít thông tin chi tiết về khoảng cách mà Tia Sắt có thể bao phủ.

“Mỗi hệ thống Vòm Sắt có diện tích bao phủ khoảng 155 km2. Chúng tôi không biết phạm vi hoạt động của Tia Sắt nhưng thách thức lớn nhất có lẽ là phải có phạm vi đủ lớn để bao phủ khu vực thay vì chỉ vài km2” – ông Hambling nói.

Tia laser cũng sẽ không hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, ông Uzi Rubin – cựu Giám đốc Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel thuộc Bộ Quốc phòng Israel nói với Newsweek.

Ông Rubin nói thêm rằng Rafael – nhà sản xuất hệ thống Tia Sắt và các quan chức quốc phòng Israel đã hoàn thành thành công một loạt cuộc thử nghiệm đột phá về hệ thống này trên thực địa nhằm đánh chặn tên lửa, UAV và rocket cũng như các mối đe dọa khác trong các kịch bản khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm