Hè về đá cá thia thia

Trẻ con ở quê không được đi du lịch đó đây, nhưng lại có cái thú vui riêng mà các em thị thành chưa chắc gì có được. Sau vài tuần đầu hè, mưa đổ nước xuống đồng bằng một dải trắng mênh mông, cánh đồng rộng hiện ra toàn nước là nước. Sau mưa không lâu, lũ trẻ xóm tôi lấy mấy keo chao hay chai nước giải khát để bắt đầu cuộc hành trình cả buổi đi hớt cá thia thia về đá.

Hớt cá thia thia thì cũng phải “có nghề”. Muốn hớt được nhiều cá, bọn trẻ lựa bờ ruộng, nhìn bọt cá và đặc biệt phải biết lựa con cá cho sung sức về “chiến” mới thắng được “bọn quỷ” cùng xóm.

Bờ ruộng được chọn là bờ ruộng phía trên gió, trong bờ ruộng có hang cua. Vào mùa khô, cá thia thia sống trong hang cua. Cũng giống như ếch, cá thia thia sống nhờ ít nước còn lại trong mùa hạn, còn đa phần nhờ vào nguồn nước mà bọt cua đồng tiết ra. Vì thế, có người không biết lại thắc mắc sao mùa khô ruộng nứt nẻ thế mà cá thia thia lại sống nổi. Đời sống cộng cư thật lạ.

Thú chơi đá cá. Ảnh: Diễn đàn cá cảnh

Khi mưa ngập cánh đồng, hang cua lại là hang cá thia thia. Sau khi quan sát hang cá thia thia, ta bắt đầu lựa bọt cá. Hạt bọt phải to, đều, trắng tinh và không có trứng cá con. Vì nếu bọt vàng, bãi bự có khi là bọt cá sặt, bọt có trứng thì cá trống đã “làm cha”, không đầy đủ sức lực để chiến đấu với đối thủ được.

Dân quê có mấy mánh lựa cá rất độc đáo. Có câu đừng chọn cá “sọc dưa”, ý chỉ con cá thia thia trống lúc đầu vào trận trông rất dũng mãnh, vừa đen vừa xanh phùng mang như ông tướng. Nhưng khi gặp phải đối thủ thứ dữ, nó đổi màu và bỏ chạy. Kinh nghiệm chọn những con dài đòn là con vẩy có sọc trên mình. Ban đầu trông rất nhạt nhưng khi vào trận là chúng mung lên, đá không biết chạy, lại còn biết cắn vào chỗ nghiệt của đối thủ như mắt, đuôi, và biết câu mỏ nữa.

Thú chơi đá cá cũng có nhiều trò bịp. Ví như để cho cá đá bền, sau khi hớt cá thia thia về, ta ngâm cá trong nước muối hoặc nước đá làm cho vẩy cá cứng và dày. Nhờ vậy, cá bị cắn sẽ không tróc vẩy, rách da, đứt đuôi. Ngoài ra để cho cá dạn và sung sức, có người còn để cá trong bóng tối và không cho ăn gì. Đến khi đem ra đá, cá đói quá nên cắn vào đuôi, vào râu đối thủ rồi nuốt luôn khiến đối thủ đau quá phải bỏ chạy. Nhưng quan trọng hơn là cá phải biết cắn. Ngày trước, dân quê mình hay cho cá ăn con bọ gậy, rong nước, trùng chỉ để cá cắn hay. Chưa hết, họ còn bắt con rắn hổ, cắt lấy đầu rồi ủ cho có dòi, sau đó bắt đem cho cá ăn. Cá ăn dòi của đầu rắn hổ thì trở nên sung mãn lại hung dữ bội phần.

Nghệ thuật trong lúc đá cá cũng là trò chơi đầy mưu trí. Người chơi phải suy tính từ chọn địa điểm đá cho đến lựa đối thủ, chọn bể đá (chọn keo - thia thia quen chậu) và lựa người đổ cá vào bể. Tất cả đều phải có kinh nghiệm mới mong cá mình dễ dàng thắng cuộc.

Ngày hè với bọn trẻ quê tôi là những ngày chơi đá cá thia thia. Độ đá có khi là “bắt xác” cái keo, một chầu kem quẩy, một trái dừa tươi, trái ổi. Hết thảy đều dân gian, bình dị nhưng lại hết sức vui vẻ, bổ ích. Nói như bác Hai tôi, đá cá cũng giúp bọn trẻ chúng tôi hình thành tư duy chiến thuật để đối đầu với đối thủ trong cuộc sống về sau. Bây giờ, tôi cũng rút ra kinh nghiệm rằng đá cá giúp mình được nhiều điều trong những lúc khó khăn, nhất là trong cách nhìn người. Trông cá có khi cũng giống người lắm à nghe. Đây là kinh nghiệm của nội tôi truyền lại mỗi khi tôi đem cá thia thia của mình đi chiến đấu với bọn trẻ trong xóm. Thắng độ cũng nở mặt lắm thay.

Đá cá thia thia là vậy. Về đồng bằng mùa mưa, đi hớt cá thia thia về đá cũng thú như coi World Cup tổ chức ở Nam Phi vậy hà.

TRIỆU VĂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới