“Liên quan đến hành vi tiêm thuốc ngủ và bơm nước cho heo tại điểm kinh doanh của ông Phan Văn Vui (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thu thập thông tin để có cơ sở xử lý đúng pháp luật”. Sáng 20-4, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết như trên.
Tiêm thuốc ngủ, bơm nước cho heo
Trước đó, tối 18-4, cơ quan chức năng TP Biên Hòa (Đồng Nai) bất ngờ kiểm tra điểm kinh doanh ở ấp 3, xã An Hòa, TP Biên Hòa và phát hiện ông Vui đang tổ chức tiêm thuốc ngủ và bơm nước cho heo trước khi vận chuyển tới cơ sở giết mổ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng bắt quả tang năm thanh niên vừa tiêm thuốc ngủ vừa bơm nước cho heo. Cơ quan chức năng còn ghi nhận cơ sở đang nhốt 120 con heo, trong đó có 30 con đã bị tiêm thuốc ngủ và bơm căng nước nằm bất động. Trả lời vì sao tiêm thuốc ngủ cho heo, ông Vui nói heo sau khi bị tiêm thuốc sẽ ngủ li bì nên dễ dàng cho việc bơm nước. Ngoài ra, heo rất ít vận động sau khi tiêm thuốc ngủ nên lượng nước bơm tiêu hao không đáng kể. Heo sau khi bơm nước được chở tới Xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong (phường 13, Bình Thạnh, TP.HCM) để giết mổ.
Cơ quan chức năng TP Biên Hòa tịch thu, đồng thời lấy mẫu 30 con heo đã bị tiêm thuốc ngủ và bơm nước để xét nghiệm. Đối với 90 con heo còn lại, cơ quan chức năng sẽ giám sát trong vài ngày, sau đó có hướng xử lý đúng pháp luật.
Nhiều con heo bị tiêm thuốc ngủ và bơm nước ngủ li bì bị cơ quan chức năng tạm giữ tại cơ sở của ông Vui. (Ảnh Cơ quan Thú y Đồng Nai cung cấp)
Đưa về TP.HCM giết mổ
Trước lo ngại heo bị tiêm thuốc ngủ và nước từ các tỉnh đưa về TP.HCM giết mổ thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thời gian qua, cơ quan này tăng cường kiểm soát, qua đó phát hiện không chỉ Xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong mà trước đó còn phát hiện một số cơ sở giết mổ khác trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM) cũng giết mổ heo bị tiêm thuốc ngủ và bơm nước.
“Nếu nghi ngờ heo bị tiêm thuốc ngủ và bơm nước, cơ quan thú y TP.HCM sẽ tạm giữ vài ngày và lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ khi có kết quả không còn tồn dư thuốc ngủ thì mới cho phép đưa vào giết mổ. Còn ngược lại chủ số heo tiêm thuốc ngủ sẽ bị xử phạt theo quy định” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, thông thường heo chỉ được bơm một lượng thuốc ngủ vừa đủ để mau chóng tỉnh táo trong thời gian vận chuyển tới cơ sở giết mổ để tránh bị cơ quan thú y phát hiện. Tuy nhiên, không ít trường hợp heo bị tiêm thuốc ngủ quá liều, vẫn ngủ li bì khi chở đến cơ sở giết mổ.
Có thể gây trầm cảm Hầu hết thuốc ngủ hiện nay chủ yếu là benzodiazepine hoặc không benzodiazepine (Nonbenzodiazenpine). Các loại thuốc nói trên thường dùng chữa trị chứng lo âu, buồn phiền, stress, mất ngủ... Tuy nhiên, thuốc có chứa thành phầnbenzodiazepine chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn 2-3 tuần vì có thể gây nghiện, hoang tưởng, trầm cảm... Nếu heo bị tiêm quá liều thì thuốc ngủ chưa phân hủy hết và sẽ tồn dư ở gan, thận. Hiện không có nhiều tài liệu nói về khả năng phân hủy bởi nhiệt độ trong quá trình nấu chín. Do vậy, nếu ăn thịt heo còn tồn dư thuốc ngủ sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như gây nghiện, trầm cảm, mệt mỏi, suy hô hấp. Đặc biệt với phụ nữ mang thai ba tháng đầu sẽ rất nguy hiểm vì thai nhi sinh ra dễ bị dị dạng. ThS NGUYỄN THÀNH CÔNG, tổ trưởng bộ môn Thực phẩm thuộc khoa Thực phẩm - Môi trường và Điều dưỡng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai |