Trong Thông tư số 24/2013 của Bộ Y tế quy định: Tồn dư tối đa Azaperone (thuốc gây mê) trong thịt heo và mỡ heo là 60 µg/kg; gan heo và thận heo là 100 µg/kg. Thông tư này không quy định tồn dư tối đa cho phép đối với hoạt chất Acepromazine (thuốc an thần) trong thịt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua chất này được phát hiện rất nhiều trong mẫu máu hoặc nước tiểu ở một số cơ sở giết mổ heo lớn tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Chi cục Thú y cấp tỉnh: Tuyên truyền sáo rỗng
Ngày 28-2, sau khi có kết quả xét nghiệm tồn dư thuốc an thần trong thịt heo có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh đưa vào TP.HCM tiêu thụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã có văn bản gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh.Trong văn bản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nói rõ 5/7 mẫu thịt heo (hơn 71%) có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh nhiễm thuốc an thần. Chi cục đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý từ gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nhận được công văn phản hồi từ phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh. Công văn có nội dung: “Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của Nhà nước về giết mổ với các chủ cơ sở, thương lái…”.
Thịt heo dính thuốc an thần vẫn còn trà trộn trên các thớt thịt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ảnh: TRẦN NGỌC
Không chỉ tỉnh Tây Ninh, hầu hết các tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một khi xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người thì đa phần cơ quan chức năng đều ra rả câu sáo mòn “tiếp tục tuyên truyền, giáo dục…”. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố “tiếp tục” thì mọi việc buông xuôi, tới đâu thì tới. Khi vụ việc tái diễn thì cơ quan chức năng không nhận trách nhiệm và lặp lại điệp khúc “tiếp tục tuyên truyền, giáo dục…”.
Cục Thú y: Đã có quy định xử phạt rất rõ
Liên quan đến vấn đề thịt heo dính thuốc an thần tràn lan ở TP.HCM mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, đại diện Cục Thú y, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục Thú y, cho biết: “Việc thịt heo chứa tồn dư chất an thần tuồn vào chợ không phải chưa có quy định xử phạt mà đã được quy định rất rõ”.
Cụ thể, theo Cục Thú y, việc hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ đã được Cục Thú y hướng dẫn tại các công văn: Số 2588/TY-TYCĐ ngày 22-11-2017 về việc xử lý heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ; số 338/TY-TYCĐ ngày 26-02-2018 về việc hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính; số 512/TY-TTrPC ngày 20-3-2018 về việc xử lý heo có kết quả dương tính với thuốc an thần.
Tại các nước thuộc cộng đồng chung châu Âu (EU) có các quy định đối với việc quản lý thuốc an thần trong thịt và sản phẩm thịt. Cụ thể, tại bảng 2 (các chất bị cấm) của Quyết định số 37/2010 ngày 22-12-2009 về các chất hoạt tính dược lý và sự phân loại của chúng về giới hạn dư lượng tối đa trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, hoạt chất Chlorpromazine (hoạt chất tương tự Acepromazine) là chất cấm. Vì vậy không thể thiết lập mức tồn dư tối đa cho chất này trong thịt heo.
Bà Huỳnh Thị Thanh Bình cũng nêu quan điểm: “Đã là chất cấm thì đương nhiên không được sử dụng và không thể có tồn dư trên thịt heo đã giết mổ. Tuy nhiên, các thương lái vẫn sử dụng chất này tiêm vào heo trước khi giết mổ mà không có chỉ định của bác sĩ thú y cũng như không tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên nhãn mác của thuốc chứa hoạt chất Acepromazine vì muốn thịt heo tươi lâu và một số mục đích khác”.
Phía Cục Thú y đã đề xuất những biện pháp giải quyết cụ thể cho việc này để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý các vi phạm.
Giải pháp mà Cục Thú y đưa ra là: Đối với thuốc an thần chứa hoạt chất Acepromazine sản xuất trong nước phải ghi trên nhãn thuốc dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng đối với động vật đưa vào giết mổ”; đối với thuốc an thần chứa hoạt chất Acepromazine nhập khẩu, phải ghi nhãn phụ với dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng đối với động vật đưa vào giết mổ”.
Như vậy, khi cơ quan quản lý phát hiện trong mẫu máu, mẫu nước tiểu hoặc mẫu thịt gia súc có tồn dư Acepromazine thì đề nghị xử phạt như đối với chất cấm và biện pháp xử phạt bổ sung là tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vi phạm.
Tăng tối đa mức tiền phạt và biện pháp phạt bổ sung Bộ NN&PTNT đang giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Thú y sửa đổi Nghị định 90/2017 theo hướng tăng tối đa mức tiền phạt và biện pháp phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm tiêm thuốc an thần vào động vật trước khi giết mổ là tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật. |