Rất nhiều kiến nghị liên quan Nghị định 24/2012 về quản lý vàng. Và Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe, mở ra những giải pháp bứt phá mới để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trên thị trường vàng.
Tính từ tháng 6-2023 đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có chín văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng. Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh.
NHNN cũng khẳng định từ năm 2014 đến nay, không đấu thầu vàng miếng, tăng cung trên thị trường. Đây là một trong những lý do dẫn đến chênh lệch giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao.
Những hệ lụy từ sự khan hiếm nguồn cung vàng đã hiện diện. Đó là giá vàng trong nước quá cao so với thế giới tạo ra hấp dẫn về lợi nhuận dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng, không kiểm soát được nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài và gây ra căng thẳng tỉ giá. Chưa hết, vì kỳ vọng giá vàng trong nước liên tục tăng cao đã kích hoạt tình trạng đầu cơ, găm giữ càng đẩy chênh lệch giá vàng lên cao một cách vô lý.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua. Thủ tướng cũng đốc thúc NHNN và các đơn vị liên quan sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý vàng.
NHNN mới đây cũng đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Những giải pháp trên khi triển khai vào thực tế sẽ giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, loại bỏ chênh lệch giá vàng quá lớn như hiện nay. Đồng thời khi các chính sách quản lý vàng tuân thủ các nguyên tắc thị trường, khi cung và cầu vàng đạt được sự cân bằng tương đối, thị trường tự điều tiết hiệu quả.
Nếu Nhà nước lo ngại việc “vàng hóa” trở lại khi người dân tìm cách mua vàng, thay vì gửi tiền ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế hoặc các giao dịch vàng gây tác động trực tiếp lên thị trường ngoại hối thì vẫn có những chính sách để điều tiết.
Chẳng hạn, cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhưng vẫn phải đáp ứng tiêu chí theo quy định của Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ có trọng tâm, trọng điểm thị trường vàng; thiết lập quy định pháp lý công bằng, áp dụng được cho mọi chủ thể tham gia thị trường vàng.
Tóm lại việc sửa đổi Nghị định 24/2012, bỏ độc quyền vàng miếng SJC… sẽ mang lại cơ hội lớn cho thị trường vàng Việt Nam. Giúp thị trường này phát triển một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, đóng góp nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế và xã hội.